Ảnh minh hoạ
Nhóm phân tích của One Mount cho biết, năm 2024 chứng kiến một bức tranh thế giới đầy biến động với các yếu tố địa chính trị căng thẳng, cạnh tranh giữa các cường quốc gay gắt và gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng. Những yếu tố này đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi áp lực lạm phát dần hạ nhiệt, thúc đẩy các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách, Fed bắt đầu hạ lãi suất trong 4 tháng cuối năm 2024.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ổn định ở mức 3,2-3,3% trong giai đoạn 2025-2026. Song, việc Mỹ áp dụng các chính sách thuế quan mới tiềm ẩn rủi ro làm gia tăng lạm phát trở lại, gây bất ổn cho nền kinh tế. Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam trong tương lai, khi Ngân hàng Nhà nước (SBV) không còn nhiều dư địa để điều chỉnh các chính sách tiền tệ.
Năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam với GDP đạt 7,09% so với năm trước. Động lực chính đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu toàn cầu, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc (tăng 14.32%), đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP.
Đồng thời, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm chỉ ở mức 3,63%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy khả năng thích ứng và phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động phức tạp của kinh tế thế giới.
Nhóm chyên gia của One Mount đưa ra các yếu tố dự báo sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2025. Trước hết là việc Mỹ điều chỉnh chính sách có thể mang đến những diễn biến khó lường cho nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong tương lai gần, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu trong giai đoạn 2025 - 2026.
Trong khi đó, các yếu tố trong nước đóng vai trò quan trọng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7-8% vào năm 2025, việc đa dạng hóa các động lực tăng trưởng, đặc biệt là thúc đẩy tiêu dùng nội địa, là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn các dự án hạ tầng trọng điểm cũng sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng trong năm tới.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại bộ, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển trong tương lai cũng như thúc đẩy thu hút đầu tư và sản xuất trong 2025.
Theo đơn vị này, dòng vốn tín dụng vẫn là nguồn vốn chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được cải thiện . Năm 2024, dư nợ tín dụng bất động sản ước tính tăng cao hơn mức độ tăng trưởng dư nợ của nền kinh tế. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng trưởng chậm, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng hai con số. Điều này cho thấy dòng vốn của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu vẫn đến từ kênh tín dụng.
Các nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp chưa được cải thiện, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành vẫn duy trì ở mức thấp.
Dòng tiền dịch chuyển qua kênh đầu tư nào?
Nhóm chuyên gia của One Mout dự báo, trong bối cảnh giá trị giao dịch chứng khoán giảm, dòng tiền đầu tư tiếp tục xu hướng dịch chuyển qua các kênh đầu tư bền vững hơn.
Thị trường chứng khoán năm 2024, hoạt động bán ròng của khối ngoại với quy mô lớn (hơn 85 nghìn tỷ đồng) đã gây áp lực lớn lên thị trường, khiến nhà đầu tư trong nước trở nên thận trọng và thanh khoản giảm sút.
Giá vàng trong nước trải qua giai đoạn biến động mạnh trong năm 2024. Tuy nhiên, sau khi các ngân hàng tham gia bán vàng với giá bình ổn, thị trường vàng trong nước dần trở nên ổn định hơn.
Ông Trịnh Hà, Chuyên gia chiến lược, Exness Investment Bank cho rằng, chính sách của ông Trump sẽ đi theo lộ trình nhất định. Fed dự kiến năm 2025 tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất. Với rủi ro lạm phát, tốc độ lãi suất có thể giảm đi. CPI tăng lần thứ 2 liên tiếp. Ngoài do yếu tố mùa vụ, bản chất nền kinh tế Mỹ, sức mạnh tiêu dùng vẫn rất mạnh. Nền tảng tiêu dùng vẫn rất mạnh mẽ và có thể ảnh hưởng đến lạm phát kể cả khi chưa áp thuế.
Theo ông Hà, sau khi áp dụng các biện pháp thuế, Fed sẽ tiếp tục cân nhắc con số về lạm phát cốt lõi. Nới lỏng biện pháp về khai thác dầu khí sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến giá dầu, khí… giảm bớt phần nào áp lực lạm phát. Khi Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, thu nhập của doanh nghiệp và người dân tiếp tục mạnh mẽ từ đó thúc đẩy các kênh đầu tư khác. Trong dài hạn, lãi suất cân bằng dài hạn (neutral interest rate) có thể cân băng ở mức cao hơn 3-3,5% để phần nào kiểm soát được lạm phát tăng lên.
Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nghiên cứu Hành vi Khách hàng, Đại diện Khu vực phía Bắc, NielsenIQ Việt Nam dẫn Báo cáo Personal Finance Monitor do NIQ thu thập số liệu hàng quý chủ yếu nghiên cứu hành vi trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính cho biết, ở khu vực phía Nam, nhu cầu đầu tư vàng chiếm tới hơn 20%. Chứng khoán cũng là lĩnh vực đầu tư rộng mở với cả những người không chuyên.
Trong khi đó, tiền số cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Gen Y và Z.
“Là công ty đo lường sức mua, thái độ và hành vi của khách hàng, chúng tôi cũng có những thẻ đánh giá gọi là áp lực tới người tiêu dùng gồm các yếu tố: kinh tế và tài chính của người tiêu dùng, mức độ chi tiêu thực tế hàng ngày của họ và mức độ thoải mái với cuộc sống”, bà Hà cho hay.
Với 3 thẻ điểm đó, NielsenIQ quan sát hành vi của khách hàng trong năm vừa qua và năm 2025, cụ thể, liên quan tới tình hình tài chính, nghiên cứu của NielsenIQ cho thấy, có đến 67% người dân Việt Nam tin tưởng tình hình tài chính có đi lên. So với mọt năm trước đây, con số này là hơn 50%.
Theo bà Hà, số liệu này cho thấy sự thay đổi về mặt thu nhập. Tuy nhiên, NielsenIQ Việt Nam cũng có những nghiên cứu ở trong khu vực và Việt Nam. Đơn vị này chia ra 5 nhóm người tiêu dùng thể hiện mức độ chi tiêu thực tế. 3 nhóm đầu tiên rất bị ảnh hưởng về kinh tế và bây giờ vẫn bị ảnh hưởng. Nhóm thứ 4 bị ảnh hưởng nhưng đã phục hồi và nhóm thứ 5 không bị ảnh hưởng nhưng rất thận trọng.
Tâm An