Ảnh minh họa.
Lợi suất trái phiếu của Đức hiện tăng lên 2,6% so với mức gần 2% hồi tháng 12/2024. Lợi suất trái phiếu Nhật Bản cũng đang tăng. Tình hình đặc biệt cực đoan tại Anh, nơi lợi suất trái phiếu chính phủ gần đây đã đạt gần 5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Lợi suất trái phiếu tăng là tin xấu đối với các chính phủ khi phải trả nhiều hơn cho các khoản nợ, đồng thời tác động tới tất cả những bên đi vay khác.
Các ngân hàng trung ương ở các nước giàu đã giảm lãi suất, song nền kinh tế thực lại không mấy cải thiện hoặc hoặc thậm chí không cải thiện. Chi phí vay mà các doanh nghiệp và hộ gia đình phải đối mặt hầu như không đổi.
Tại Khu vực đồng euro, lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp giảm chưa đến 1 điểm %. Một người tiêu dùng Anh muốn vay 10.000 bảng Anh (12.200 USD) phải trả mức lãi suất trung bình 6,75%, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh gần đây. Tình hình đánh dấu sự thay đổi sâu sắc so với trước và trong đại dịch COVID-19, khi lợi suất trái phiếu hướng đến mức thấp kỷ lục.
Trong một thế giới mà giá tiêu dùng tăng nhanh, các nhà đầu tư đòi hỏi lợi suất trái phiếu cao hơn bởi họ dự báo lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn và để bù đắp cho sự suy giảm sức mua. Số liệu gần đây cho thấy lạm phát sẽ giảm chậm hơn so với kỳ vọng.
Ở Nhóm các nước có đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới (G10), tiền lương danh nghĩa vẫn tăng ở mức 4,5%/năm, có lẽ đủ để đẩy lạm phát lên trên mục tiêu của các ngân hàng trung ương, do tăng trưởng năng suất yếu. Ở Khu vực đồng euro, có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng tiền lương thực sự đang "nóng" lên. Ở Mỹ, một báo cáo về bùng nổ việc làm cho thấy nền kinh tế còn lâu mới chậm lại. Lạm phát trung bình ở Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tăng từ 2,2% lên 2,6% trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2024.
Tuy nhiên, giá thị trường cũng cho thấy các vấn đề khác. Sử dụng các công cụ phái sinh lạm phát cho thấy không có lo ngại về giá cả tăng. Ở Mỹ, Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), kỳ vọng lạm phát đã giảm trong những tuần gần đây. Các nhà đầu tư dường như tin rằng nền kinh tế có nhiều áp lực lạm phát hơn so với trước đây, nhưng cũng tin rằng các ngân hàng trung ương, trong kịch bản có khả năng xảy ra nhất, sẽ có thể và sẵn sàng kiềm chế lạm phát bằng chính sách tiền tệ mạnh hơn.
Ở một số quốc gia, đặc biệt là Anh, sẽ không ngạc nhiên nếu lợi suất giảm một chút. Một phần do QT sẽ chậm lại, Anh sẽ bán ra thị trường ít trái phiếu hơn.
Tuy nhiên, các động lực cơ bản thúc đẩy lợi suất tăng không có khả năng biến mất. Chính sách tài khóa mở rộng đang thịnh hành, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng và căng thẳng thương mại có thể leo thang.
Cũng cần nhớ rằng, mặc dù phí bảo hiểm kỳ hạn đã tăng, mức tăng này vẫn chưa bằng trong quá khứ. Sau khi lạm phát cao và lãi suất tăng nhanh trong những năm 1970 và 1980 tàn phá giá trị thực của trái phiếu, các nhà đầu tư đã tránh xa nợ chính phủ.
Hãy tưởng tượng tình huống trong đó các nhà đầu tư đã dự báo sai về khả năng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất trong năm nay và thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách buộc phải bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Các nhà đầu tư sẽ có nhiều lý do để tránh xa trái phiếu chính phủ. Nếu họ làm vậy, sẽ có nhiều dư địa để lợi suất tăng cao hơn nữa.
Anh Mai