Lý do điều chỉnh quy hoạch
Đồ án quy hoạch điều chỉnh được lập trên diện tích 2.123,29 km², bao gồm toàn bộ diện tích hành chính hiện tại của TP.HCM và khu vực biển Cần Giờ. Việc điều chỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong phát triển đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng kết nối vùng.
Mục tiêu chính của đồ án gồm:
Cải thiện kết nối vùng: Hoàn thiện hạ tầng giao thông liên kết TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Phát triển kinh tế tri thức: Đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ và công nghệ cao hàng đầu khu vực.
Ứng phó biến đổi khí hậu: Xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường, chống ngập và giảm thiểu tác động của nước biển dâng.
Tối ưu hóa sử dụng đất: Tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, phát huy giá trị giao thông công cộng, giảm áp lực di chuyển trong thành phố.
Định hướng phát triển đến năm 2060
Theo đồ án, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, bao gồm 6 vùng đô thị chính: Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, và Cần Giờ. Các khu vực này được kết nối bởi 10 trục giao thông xuyên tâm, 3 vành đai kinh tế và hành lang kinh tế biển.
Đồ án cũng dự báo đến năm 2060, dân số TP.HCM sẽ đạt 16 triệu người, với diện tích đất xây dựng khoảng 126.511 ha, trong đó đất dân dụng chiếm 81.664 ha.
Chú trọng kết nối và bảo vệ môi trường
Hội nghị đã yêu cầu liên danh tư vấn phối hợp với các sở, ngành liên quan để: Làm rõ tính liên kết vùng giữa TP.HCM và các đô thị lân cận; Đảm bảo đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch, đặc biệt là hệ thống giao thông và cấp thoát nước; Chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của đồ án, đồng thời yêu cầu bổ sung các nội dung cần thiết để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Việc điều chỉnh quy hoạch không chỉ nhằm khắc phục các bất cập của quy hoạch cũ mà còn định hình tương lai phát triển bền vững cho TP.HCM, đưa thành phố vươn tầm quốc tế.
Sự khác nhau giữa Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đây là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm tất cả các lĩnh vực như đô thị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường... Tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển toàn diện và cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường.
Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060: Tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh và định hướng phát triển không gian đô thị TP.HCM, nhấn mạnh các khía cạnh quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và sử dụng đất. Tầm nhìn dài hạn đến năm 2060 nhằm xây dựng TP.HCM trở thành đô thị hiện đại, ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới.
Như vậy, hai quy hoạch này có mục tiêu, phạm vi và nội dung khác nhau nhưng bổ trợ lẫn nhau. Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 có tính chất tổng thể, định hướng phát triển toàn diện, trong khi Quy hoạch chung 2040 tập trung vào việc xây dựng không gian đô thị và hệ thống hạ tầng để đáp ứng các mục tiêu chiến lược.
N.Đăng