Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) - nhà sản xuất xi măng với thị phần cao nhất tại miền Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành và Vành đai 3 TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ, gia tăng nhu cầu tiêu thụ xi măng.
Cụ thể, trong quý 3/2024, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu đạt 1.638 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng bán xi măng tăng 8,5%. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,5 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với mức lỗ 10,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Sự cải thiện này chủ yếu nhờ vào giá than nhập khẩu giảm mạnh và các chính sách hỗ trợ bất động sản từ Chính phủ.
Tiêu thụ xi măng tăng nhờ hưởng lợi từ các dự án hạ tầng trọng điểm phía Nam
Từ tháng 8/2024, các luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án bị đình trệ. Điều này không chỉ giúp hồi phục thị trường bất động sản dân dụng mà còn tăng tốc tiến độ các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành và Vành đai 3 TP.HCM, từ đó kích cầu tiêu thụ xi măng nội địa.
Theo Agriseco, một yếu tố quan trọng góp phần cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng là giá than nhập khẩu, nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất đã giảm mạnh. Theo số liệu mới nhất, giá than trung bình trong tháng 10/2024 chỉ còn 105 USD/tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo từ World Bank cho thấy, giá than sẽ duy trì ổn định ở mức thấp trong năm 2025 nhờ nguồn cung dồi dào và xu hướng giảm nhu cầu toàn cầu.
Ngành xi măng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn
Đối với Xi măng Hà Tiên, giá nguyên liệu giảm đã giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 9% lên 10% trong quý 3/2024. Bên cạnh đó, việc nợ vay giảm 36%, tương đương 1.314 tỷ đồng, cũng giúp chi phí lãi vay giảm mạnh 66%.
Một điểm nhấn khác trong hoạt động kinh doanh của Xi măng Hà Tiên là trạm BOT Phú Hữu chính thức đi vào hoạt động từ quý 3/2024. Dự án này đã đóng góp 4,79 tỷ đồng doanh thu với biên lợi nhuận gộp lên tới 75%, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Thách thức lớn từ tình trạng dư cung
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, ngành xi măng cuối năm 2024 vẫn phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu kéo dài.
Theo Agriseco, công suất sản xuất hiện tại của nhiều nhà máy xi măng vẫn vượt xa nhu cầu thực tế, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do cạnh tranh từ các quốc gia khác như Trung Quốc và Thái Lan.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng là một rào cản lớn với các nhà sản xuất xi măng. Từ ngày 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8% so với giá hiện hành, lên hơn 2.103 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Đối với ngành sử dụng nhiều điện như xi măng, việc tăng giá điện này được đánh giá sẽ có tác động lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngành này vẫn đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, điện chiếm khoảng 17-25% chi phí sản xuất Xi măng, tùy vào từng nhà máy. Do đó, việc tăng giá điện ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành này khi hoạt động kinh doanh vẫn còn khó khăn.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia dự báo ngành xi măng Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm 2024, nhưng với tốc độ chậm. Nhu cầu nội địa được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với áp lực từ tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt.
Một điểm sáng là sự ổn định giá nguyên liệu, đặc biệt là than nhập khẩu, sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc Chính phủ cam kết đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và gỡ khó cho bất động sản sẽ tạo động lực lớn cho ngành này.
Thúy Hà