Hình minh họa
Giá vàng đua nhau lập đỉnh: Người muốn sở hữu “hoa mắt chóng mặt”, cơ quan quản lý “đau đầu”
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai về thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng cho biết, vàng hiện nay cũng là vấn đề “đau đầu” của thế giới. Bà Hồng thông tin, trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng, Giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2.300 - 2.400 USD/ounce và hiện đã tăng vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce. Xét từ đầu năm đến nay, ước tính Giá vàng thế giới đã tăng hơn 50%
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa Giá vàng trong nước và Giá vàng quốc tế, bởi nếu để chênh lệch tăng cao sẽ có hiện tượng nhập lậu vàng. NHNN đã can thiệp và đưa chênh lệch xuống 3-4 triệu đồng/lượng, tương ứng chênh lệch còn khoảng 5%-7%.
Hiện nay, Giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.
Không có quy định cấm cho vay bất động sản
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ nửa cuối 2023 Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thực hiện 2 chính sách: Chính sách tài khoá mở rộng hợp lý có trọng tâm trọng điểm và chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt.
Là chính sách ngắn hạn nên NHNN phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành với liều lượng phù hợp. Mục tiêu theo luật định là NHNN điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát nên trong quá trình điều hành NHNN không bao giờ chủ quan với mục tiêu lạm phát.
“Chúng tôi phải thường xuyên theo dõi. Khi lạm phát điều hành đảm bảo theo mục tiêu Quốc hội đề ra thì NHNN sẽ thực hiện các giải pháp cho hỗ trợ tăng kinh tế”, bà Hồng nói và cho biết thêm dự kiến định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, 2025 phấn đấu 15%.
Trong trường hợp áp lực lạm phát hiện hữu thì sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phối hợp với các bộ ban ngành khác để điều hành phù hợp.
Bà Rịa – Vũng Tàu lập kế hoạch đưa tuyến cao tốc gần 18.000 tỉ đồng về đích
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND phát động đợt thi đua cao điểm hoàn thành dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2025, báo Giao thông đưa tin.
Theo báo cáo của Ban QLDA giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư) cho biết, dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nay cơ bản hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng. Khối lượng đã thi công đạt 51% giá trị công trình, dự kiến cuối tháng 11 khi nắng đẹp sẽ bắt đầu thảm nhựa.
Năm 2024 dự án được bố trí gần 1.200 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân 690 tỉ đồng, đạt 58%.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 có tổng chiều dài toàn tuyến là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, qua Bà Rịa-Vũng Tàu là 19,7km.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 18,2km qua tỉnh Đồng Nai do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và dự án thành phần 3 dài 19,5km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.
Hiện nay, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch đợt thi đua cao điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án này.
Cần Thơ chuẩn bị cho dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 hơn 7.230 tỉ đồng
Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ mới đây đã chủ trì buổi họp kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7).
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 có tổng chiều dài tuyến khoảng 7,04km (bao gồm cầu Bình Thủy). Ðiểm đầu: Km 0 00 tại nút giao đường Cách mạng Tháng 8 - đường Hùng Vương - đường Trần Phú - đường Nguyễn Trãi; điểm cuối: Km7 kết nối với đoạn Km7-Km14 đang khai thác.
Đây là công trình đường giao thông cấp II, vận tốc thiết kế 60-80km/giờ. Bề rộng nền đường 37m, trong đó mặt đường phần xe chạy 23m, dải phân cách giữa 4m, vỉa hè hai bên 10m. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 7.230 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; trong đó, nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 5.000 tỉ đồng.
Mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng và hoàn thiện Quốc lộ 91, đoạn qua địa bàn Thành phố Cần Thơ, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường này. Đặc biệt, dự án sẽ cải thiện kết nối giữa Khu cảng - khu công nghiệp Trà Nóc và Sân bay Cần Thơ với các khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, dự án cũng hướng tới việc giảm ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra và nguy cơ tai nạn giao thông trên đoạn Km0 - Km7, đồng thời đảm bảo kết nối toàn tuyến, hoàn thiện đồng bộ và tối ưu hóa hiệu quả của dự án.
Hoàng An