Hình minh họa
Giá đất tăng cao bất thường, Bộ trưởng TN&MT nêu loạt nguyên nhân
Chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, ông Duy cho biết thời gian qua, tại một số địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có biểu hiện đầu cơ, thổi giá, tạo mặt bằng giá cao như các đại biểu nêu. Việc này làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường Bất động sản.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT đã kiểm tra, rà soát và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.
Ông Duy cho biết một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với khu vực xung quanh.
Trong đó, sau khi đấu giá một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc.
Sóc Trăng kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ để làm siêu cảng hơn 162.700 tỉ đồng
Dự án cảng biển Trần Đề có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 162.700 tỉ đồng được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương hỗ trợ 19.403 tỉ đồng để đầu tư dự án.
UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ KH-ĐT, Bộ GT-VT về việc xem xét trình Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư bến cảng Trần Đề, theo báo SGĐTTC.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5.
Trần Đề được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng biển Trần Đề sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng hơn 162.700 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn khởi động cần vốn đầu tư khoảng 44.695 tỷ đồng, giai đoạn hoàn thiện vốn đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng. Cảng biển Trần Đề đóng vai trò là cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT.
Bồi thường Vành đai 2 TP.HCM cao nhất hơn 111 triệu đồng/m2
Đây là mức giá được TP Thủ Đức đưa ra trong dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng khi thực hiện hai đoạn Vành đai 2 qua địa bàn. Trong đó, đoạn một dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội); đoạn hai từ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài gần 3 km.
Phần bồi thường, giải phóng mặt bằng khi triển khai hai đoạn này được tách thành hai dự án thành phần, tổng diện tích thu hồi đất hơn 61 ha với khoảng 1.166 trường hợp bị ảnh hưởng. Thủ Đức dự toán tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ cho các hộ khoảng 7.600 tỷ đồng.
Theo giá dự kiến để tính bồi thường, hỗ trợ cho các hộ được địa phương trên đưa ra, mức cao nhất khoảng 111,5 triệu đồng mỗi m2 đất ở, mặt tiền đường Phạm Văn Đồng. Kế đến là đất ở có vị trí mặt tiền các tuyến Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Bi gần 102 triệu đồng mỗi m2; đất ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Bá có giá khoảng 100,5 triệu đồng mỗi m2...
Mức giá đền bù đất ở thấp nhất tại khu vực là hơn 26 triệu đồng mỗi m2, áp dụng cho đất trong các tuyến nhỏ như đường 22 (phường Phước Long B), đường 147 (phường Phước Long B và Tăng Nhơn Phú B). Với đất nông nghiệp, mức bồi thường cao nhất là hơn 9,4 triệu đồng mỗi m2 cho đất trồng cây lâu năm tại một số tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp... Với đất trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản tại những tuyến này, giá đền bù hơn 7,78 triệu đồng mỗi m2.
Tuyến đường hơn 6.000 tỉ đồng ở Hà Nội hoàn tất giải phóng mặt bằng
UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vừa thu hồi hơn 1.930m đất của 15 hộ dân do UBND xã Hồng Minh tự ý giao trái quy định từ năm 2008, theo báo Giao thông.
Đây là đoạn mặt bằng cuối cùng trên tổng chiều dài gần 9km dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) qua huyện Phú Xuyên nhiều năm qua chưa thể đấu nối do vướng mặt bằng. Khu vực này là điểm cầu bắc qua kênh Vân Đình nối đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với tỉnh lộ 429 và một số tuyến giao thông huyết mạch khác.
Ban Quản lý đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) cho biết, ngay sau khi nhận bàn giao mốc giới mặt bằng, đơn vị đã phối hợp chính quyền địa phương để triển khai công tác thi công.
Đơn vị cam kết sẽ hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, dự kiến trong vòng 6 tháng tới sẽ thông được cầu Vân Đình, kết nối với tỉnh lộ 429.
Dự án đường trục phía Nam dài 41,5km, điểm đầu giao đường Phúc La - Văn Phú (Kiến Hưng, Hà Đông), điểm cuối nối với quốc lộ 1A - đoạn phía dưới cầu Giẽ (Châu Can, Phú Xuyên).
Hoàng An