Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 55% sản lượng thép toàn cầu. Xuất khẩu thép của nước này đã tăng vọt trong năm 2024 và dự kiến sẽ vượt mốc 100 triệu tấn, tương đương năm 2016.
Ngân hàng đầu tư Macquarie Capital dự đoán rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt 109 triệu tấn trong năm 2024, sau đó giảm xuống 96 triệu tấn vào năm 2025.
Các nhà phân tích cho biết, thuế quan thương mại có thể hạn chế hơn nữa xuất khẩu thép của Trung Quốc, dù điều này phải mất một thời gian để phát huy tác dụng.
Tương tự, các nhà phân tích được Citigroup phỏng vấn cũng đồng tình với dự đoán này. Nhà phân tích Ren Zhuqian của công ty tư vấn thép Mysteel cho biết lô hàng thép của Trung Quốc "có xu hướng giảm" từ năm sau trở đi do các biện pháp chống bán phá giá.
Xuất khẩu thép Trung Quốc sắp đối mặt “cơn bão” thuế quan toàn cầu
Thị trường nước ngoài đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn cung trong nước dư thừa. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Làn sóng thép giá rẻ từ Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại về sự cạnh tranh đối với các nhà sản xuất thép nội địa của các đối tác thương mại
Nhà phân tích cấp cao Chim Lee tại Economist Intelligence Unit cho biết các nhà sản xuất thép ở các nước nhập khẩu đã "chịu áp lực rất lớn", đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á và Trung Đông.
Mexico đã áp dụng mức thuế gần 80% đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối năm 2023. Brazil cũng đã áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép từ Trung Quốc. Mức thuế 25% của Canada với các sản phẩm thép của Trung Quốc được công bố từ tháng 8 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/10/2024.
Lần đầu tiên sau 6 năm, Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép nội địa Trung Quốc sẽ chiếm chưa đến một nửa nhu cầu toàn cầu. Lý do chính vẫn là sự trì trệ của lĩnh vực bất động sản nước này.
Nhà phân tích Chim Lee cho biết nhu cầu thép của Trung Quốc có thể không cải thiện nhiều cho đến năm 2025 hoặc năm 2026. Vì Bắc Kinh đang tìm cách hạn chế nguồn cung nhà ở mới để giải quyết lượng nhà dư thừa hiện có.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương mới đây đã thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Hiện nay, sản xuất thép cán nóng trong nước gồm 2 doanh nghiệp, có tổng công suất là 8,6 triệu tấn/năm. Bên cạnh phục vụ nhu cầu trong nước thì một phần được sử dụng xuất khẩu sang thị trường khác, tỉ lệ 50-50.
Trong khi đó, nhu cầu thép cán nóng tại thị trường Việt Nam khoảng 13 triệu tấn/năm. Do đó, nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung nhu cầu thị trường trong nước trong thời điểm hiện tại.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá khoảng 9 tỷ USD, tăng mạnh 31,7% về lượng và tăng 19% kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt 729,5 USD/tấn, giảm 9,7% về giá so với 9 tháng năm 2023.
Riêng tháng 9/2024, nhập khẩu gần 1,55 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,06 triệu USD, giá trung bình 688 USD/tấn, tăng 15,4% về lượng, tăng 4,3% về kim ngạch nhưng giảm 9,6% về giá so với tháng 8/2024.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong tháng 9 đến từ Trung Quốc, với 8,31 triệu tấn, tương đương gần 5,36 tỷ USD, giá 644,5 USD/tấn, tăng 50,6% về lượng, tăng 37,8% kim ngạch nhưng giảm 8,5% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, thị trường này chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 59,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Thúy Hà