Ngày 15/10/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã có buổi tiếp, làm việc Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và đại diện Tập đoàn Wartsila Phần Lan.
Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về các hoạt động hợp tác thương mại, năng lượng giữa hai nước thời gian vừa qua với những dự án tiêu biểu như dự án nhà máy điện rác Thăng Long - Bắc Ninh, dự án chuyển đổi nhà máy nhiệt điện Ninh Bình sang công nghệ Điện linh hoạt ICE hợp tác giữa Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GENCO3) với tập đoàn Wartsila Phần Lan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tiếp và làm việc với Đại sứ Phần Lan và Tập đoàn Wartsila
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long hoan nghênh quan tâm hợp tác của Phần Lan trong tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Đồng thời chia sẻ với đối tác Phần Lan về tình hình, chính sách chuyển đổi năng lượng Việt Nam, trong đó có việc triển khai Chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Phần Lan với tư cách là thành viên EU và là nước có công nghệ tiên tiến hàng đầu có thể tham gia, hỗ trợ Việt Nam trong chương trình này.
Tại cuộc gặp, tập đoàn Wartsila và EVN GENCO3 đã báo cáo về tiến độ hợp tác trong dự án chuyển đổi nhà máy nhiệt điện Ninh Bình sang công nghệ Điện linh hoạt ICE.
Đại diện tập đoàn Wartsila nêu rằng công nghệ điện khí linh hoạt của Wartsila phù hợp với mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam do có thể đáp ứng khả năng tạo nguồn điện nền linh hoạt bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Bên cạnh đó, công nghệ này cũng có khả năng chuyển đổi dần từ sử dụng khí LNG sang dung hydrogen xanh, giúp đảm bảo cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.
Phía EVN GENCO 3 nhất mạnh việc chuyển đổi này bên cạnh các lợi ích kinh tế, chuyển đổi xanh, còn giúp giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 400 người lao động sau khi đóng cửa nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
Trước đó, tháng 8/2023, tập đoàn Wartsila đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về đề xuất dự án nhà máy điện linh hoạt ICE công suất 300 MW trên địa bàn tỉnh này.
Nhà máy điện linh hoạt ICE dự kiến gồm 17 tổ máy ICE với tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng nhà máy đặt tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn với diện tích xây dựng là 22 ha.
Nhà máy mới sẽ sử dụng nhiên liệu sạch và bền vững (LNG và hydrogen trong tương lai) với vị trí địa điểm cách xa khu dân cư, không ảnh hưởng tới đời sống và phát triển du lịch của địa phương.
Về nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, dự án này được xây dựng và đi vào vận hành tổ máy đầu tiên từ năm 1974, hiện công nghệ cũ, lạc hậu, công suất nhỏ, hoạt động của cảng và các đường dây xuất tuyến ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch đô thị Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình đề xuất có lộ trình sớm dừng hoạt động để thực hiện quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014.
Tháng 5/2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đề nghị tập đoàn không tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
Đồng thời, xem xét, thống nhất với tỉnh về phương án dừng hoạt động của nhà máy. Nghiên cứu phát triển dự án điện khí LNG hoặc dự án năng lượng công nghệ sạch ở vị trí khác trên địa bàn để thay thế cho nhà máy nhiệt điện Ninh Bình khi ngừng hoạt động.
Thúy Hà