Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị về di sản đặc trưng của Việt Nam
Theo kế hoạch, Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh toàn diện công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá, vượt lên trong một số ngành, lĩnh vực; tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Tỉnh cũng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nhằm phát triển đô thị, nông thôn theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị về di sản đặc trưng của Việt Nam; là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Đây cũng là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại.
Phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng GRDP 7 - 8%/năm; GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD (theo cách tính hiện hành); Tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%; 100% dân số sử dụng nước sạch;…
Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là đô thị lớn, thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước. Trở thành đô thị di sản, thông minh và sáng tạo; thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.
Nhiều dự án lớn sẽ được triển khai
Để đạt được những mục tiêu nói trên, Thừa Thiên Huế đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp có liên quan.
Đơn cử như, tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp này, tỉnh sẽ hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I, II, III; Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Phong Điền; Quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây; lập quy hoạch chi tiết các khu vực;…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Trong đó, ưu tiên các khu công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng như: KCN Phong Điền, KCN Phú Bài giai đoạn III & IV, KCN Tứ Hạ giai đoạn 1, KCN La Sơn giai đoạn 1, KCN và KPT quan thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô.
Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh hoặc từ doanh nghiệp để đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các KCN; kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng KCN Phú Đa, Quảng Vinh; kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG, Nhà máy luyện kim và sản xuất sản phẩm sau luyện kim (không sử dụng nhiên liệu than),...
Thừa Thiên Huế sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và các loại hình dịch vụ tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Thúc đẩy tiến độ, hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án: Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô giai đoạn I; dự án Laguna Lăng Cô giai đoạn II; dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor của Công ty CP Kim Long Motor Huế;…
Một nhiệm vụ, giải pháp khác là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp này, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương, các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương; dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc La Sơn - Hòa Liên...
Đồng thời, phối hợp, triển khai thực hiện các công trình giao thông trọng điểm đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tỉnh cũng tập trung triển khai hiệu quả Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tập trung phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong đó, hoàn thiện hạ tầng phát triển đô thị: Đô thị Thừa Thiên Huế loại I trực thuộc Trung ương; đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III; nâng cấp và hình thành các đô thị mới đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
Tỉnh cũng sẽ nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng đô thị, định hướng thành lập các Quận (Phú Xuân, Thuận Hóa), thị xã, thị trấn, các đô thị mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị ven biển;...
Lê Lê