Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Phương hướng phát triển hệ thống đô thị
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra phương hướng phát triển hệ thống đô thị.
Theo đó, phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo mạng lưới, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ theo hướng đa trung tâm.
Phấn đấu thành lập các thành phố, thị xã trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn.
Phát triển hệ thống đô thị loại I, II, III theo mô hình đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển thành phố Đà Nẵng là đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistic, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.
Phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị trung tâm của vùng, tiểu vùng; đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Khánh Hòa có vai trò là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Thành phố Nha Trang có vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học - công nghệ, đào tạo, chăm sóc sức khỏe tiểu vùng.
Thành phố Thanh Hóa có vai trò là một cực tăng trưởng mới của tiểu vùng Bắc Trung Bộ và cả nước; là một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, dịch vụ logistic, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Thành phố Vinh là có vai trò là trung tâm của tiểu vùng Bắc Trung Bộ về công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Thành phố Quy Nhơn có vai trò là trung tâm kinh tế biển tổng hợp của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.
Thành phố Quy Nhơn có khu đô thị khoa học mang tầm cỡ quốc gia, với nòng cốt là Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển các loại hình đô thị chức năng chuyên ngành quốc gia, cấp vùng dựa trên khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.
Đơn cử như đô thị trung tâm tài chính khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại thành phố Đà Nẵng; đô thị trung tâm cảng – dịch vụ logistic cấp vùng tại Đà Nẵng, Vân Phong và các đô thị có cảng biển loại I; đô thị trung tâm sân bay – dịch vụ logistic tại Cam Lâm (Khánh Hòa); đô thị trung tâm du lịch quốc gia tại các thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.
Quy hoạch định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng là đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực. Ảnh: Lê Phước Bình
Nhiều đô thị sẽ được nâng cấp, mở rộng
Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại II là thành phố Phan Thiết; 01 đô thị loại III là thành phố La Gi; 03 đô thị loại IV; 11 đô thị loại V.
Tương tự, đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận có 12 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại II là Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; 04 đô thị loại IV (gồm 02 đô thị hiện hữu là Tân Sơn, Phước Dân và 02 đô thị mới là Phước Nam, Cà Ná).
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận có 07 đô thị loại V. Trong đó có 01 đô thị hiện hữu Khánh Hải và 06 đô thị mới gồm Lợi Hải, Phước Đại, Thanh Hải, Lâm Sơn, Vĩnh Hy, Sơn Hải.
Ninh Thuận cũng phát triển 06 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - du lịch (được cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch chung khu du lịch quốc gia Ninh Chữ).
Đến năm 2030, Khánh Hòa có 02 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm; 01 đô thị loại II là thành phố Cam Ranh; 01 đô thị loại III; 02 đô thị loại IV; các đô thị loại V.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Bình Định có 21 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại I là thành phố Quy Nhơn; 02 đô thị loại III gồm thành phố An Nhơn và thành phố Hoài Nhơn; 03 đô thị loại IV gồm thị xã Tây Sơn, thị xã Tuy Phước, thị trấn Cát Tiến;
15 đô thị loại V gồm thị trấn Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Bình Dương, Ngô Mây, An Hòa, Mỹ Chánh, Cát Khánh, Canh Vinh, Mỹ Thành, Mỹ An, Cát Hanh, Ân Tường Tây.
Tương tự, đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 09 đơn vị hành chính. Trong đó có 02 quận (thành phố Huế chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương); 03 thị xã gồm thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị xã Phong Điền;
04 huyện gồm Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Đến năm 2030, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương với 09 đơn vị hành chính. Trong đó có 03 quận gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy; 02 thị xã gồm Hương Trà và Phong Điền; 04 huyện gồm Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông.
Giai đoạn này, tỉnh đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III.
Đến năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 47 đô thị các loại. Trong đó, có 01 thành phố là đô thị loại I (Đô thị Thanh Hóa: sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thanh Hóa); 02 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn); 01 đô thị loại IV (thị xã Nghi Sơn); 43 đô thị loại V.
Đến năm 2030, toàn tỉnh Thanh Hòa có 47 đô thị. Trong đó, 01 thành phố là đô thị loại I (Đô thị Thanh Hóa); 02 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn; thành phố Nghi Sơn); 04 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn, thành lập mới 03 thị xã gồm Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương); 40 đô thị loại V.
Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã định hướng phát triển hệ thống đô thị tại các địa phương khác thuộc khu vực ven biển miền Trung như, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng,....
Lê Phước Bình