Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với chiều dài 105km vừa chính thức thông xe toàn tuyến. Đây cũng là một trong những tuyến đường được đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) hiện đại. Theo ông Nguyễn Huy Thiêm, kỹ sư thuộc Ban Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dọc tuyến có hệ thống 58 ca-mê-ra tự động quay quét với bán kính quan sát hơn 1km, có thể phóng to 32 lần. Hệ thống này giúp người ngồi ở trung tâm điều hành có thể quan sát tất cả các hoạt động trên đường cao tốc. Ngoài ra, tại các trạm thu phí trên tuyến còn lắp đặt bộ cân tự động, kiểm tra tải trọng xe ngay khi phương tiện đi qua. “Độ chính xác của các cân điện tử kiểm tra tải trọng là hơn 95%, quá trình cân xe thực hiện nhanh chóng, thuận tiện”, ông Nguyễn Huy Thiêm cho biết.
Công nghệ kiểm soát phương tiện qua hệ thống ca-mê-ra, thiết bị cân xe tự động đều đã được áp dụng tại Việt Nam, ví như trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai. Từ đầu tháng 12-2015, tại Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã triển khai 100 ca-mê-ra “phạt nguội”, ghi lại hình ảnh làm căn cứ xử lý những người vi phạm TTATGT. Theo Cục CSGT (Bộ Công an), qua khảo sát cho thấy, số vụ việc vi phạm TTATGT đường bộ xảy ra trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với số vụ được phát hiện và xử lý. Bởi không phải ở tất cả các tuyến đường, ở mọi thời điểm trong ngày đều có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát (TTKS). Vì vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa công tác TTKS trên các tuyến đường, ở các điểm giao cắt, địa bàn trọng điểm là yêu cầu cấp thiết. Ứng dụng KHCN không những nhằm mục đích bảo đảm TTATGT mà còn hỗ trợ các lực lượng chức năng quan sát, theo dõi mọi diễn biến trên các tuyến đường và các khu vực quan trọng về an ninh-trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý mọi hoạt động tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác.
Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, một trong những giải pháp được chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ trong năm 2015 và thời gian tới là tăng cường xã hội hóa nghiên cứu khoa học hỗ trợ ATGT. Các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang triển khai nhiều chương trình nghiên cứu KHCN dành cho lĩnh vực giao thông và ATGT. Những mô hình đã ứng dụng thành công trong thực tế sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về ứng dụng công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG
2998 lượt xem