Nền kinh tế 8 tháng năm 2016 tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều lĩnh vực vẫn có bước tăng trưởng khá. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt mốc 14 tỷ USD; hoạt động ngoại thương tiếp tục phát triển, với mức xuất siêu 2,45 tỷ USD.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: vietnamnet.vn)
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt trên 6,73 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm nay đạt trên 10,53 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đăng ký. Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam 8 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục có bước tăng trưởng. Tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 112,19 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,62 tỷ USD, tăng 4,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,57 tỷ USD, tăng 6,1%. Về thị trường xuất khẩu 8 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 24,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Về nhập khẩu, tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 109,74 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,35 tỷ USD, tăng 0,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 64,39 tỷ USD, giảm 0,8%. Về thị trường nhập khẩu, trong 8 tháng năm nay nhập khẩu từ một số thị trường chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 31,6 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2015; ASEAN đạt 15,2 tỷ USD, giảm 3,4%;…
Cũng theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 7 xuất siêu 564 triệu USD. Tháng 8 ước tính xuất siêu 200 triệu USD. Tính chung 8 tháng, xuất siêu 2,45 tỷ USD (cùng kỳ năm 2015 nhập siêu 3,6 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 12,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,18 tỷ USD.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 73.404 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 567,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% về số doanh nghiệp và tăng 50,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 26%. Theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 8 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó một số ngành tăng mạnh cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký như kinh doanh bất động sản tăng 101,3% về số doanh nghiệp và tăng tới 268,4% về vốn đăng ký; khai khoáng tăng 8,8% và tăng 247% về vốn đăng ký; sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng 21,5% và tăng 120%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24% và tăng 106,7% về vốn đăng ký… Bên cạnh đó, trong 8 tháng năm nay còn có 1.024,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng đạt 1.592,5 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm nay là 18.711 doanh nghiệp, tăng 65,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lĩnh vực sản xuất công nghiệp có tăng, nhưng mức tăng lại thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do ngành khai khoáng vẫn tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp không cao, nhưng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2016 vẫn tăng 5% so với cùng thời điểm năm trước.
Do ảnh hưởng của thiên tai, sản xuất nông nghiệp nhiều nơi bị thiệt hại lớn. Trong tháng 8, các địa phương ở miền Bắc chịu ảnh hưởng liên tiếp của bão số 1, số 2 và số 3, gây mưa lớn, ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất lúa và hoa màu. Theo báo cáo sơ bộ, đã có trên 200 nghìn ha lúa và hoa màu ở các tỉnh phía Bắc bị ngập úng, trong đó gần 5 nghìn ha lúa bị mất trắng. Mặc dù vậy, lĩnh vực thủy sản vẫn có mức tăng trưởng. Tính chung 8 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt trên 4,33 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, kinh tế nước ta trong 8 tháng đầu 2016 mặc dù gặp khó khăn nhưng có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá. Các lĩnh vực lao động, việc làm được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả quan trọng đạt được, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có dấu hiệu chững lại, lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, ô nhiễm biển còn gặp nhiều khó khăn.
Để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế năm 2016, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có giải pháp phục hồi tăng trưởng của ngành công nghiệp, nhất là chế biến hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phục những bất cập từ biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ về giống, tưới tiêu, công cụ, kỹ thuật sản xuất để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Tập trung thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2016. Khẩn trương khôi phục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hải sản ở các địa phương có sự cố hải sản chết bất thường.
Khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục. Chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết…/.
(ĐCSVN)