Họ hát vang bài ca “Người Mèo ơn Đảng” khi đi làm rẫy, ở chợ phiên, họ hát ở nhà riêng, trong những buổi hội họp và những lúc gặp bạn bè… Họ hát bằng tiếng Kinh và bằng tiếng Mông với niềm tự hào: “Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng…”
Nhạc sĩ Thanh Phúc cùng các cô giáo vùng cao Hà Giang.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Thanh Phúc được phân công cùng đoàn văn nghệ đi biểu diễn ngoài mặt trận để cổ vũ tinh thần bộ đội trước giờ chiến đấu. Đến Điện Biên Phủ thì đêm nào ông cũng theo bộ đội đi đào giao thông hào để động viên bộ đội.
Ngày 13/3/1954, trong trận chiến đồn Him Lam mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đoàn văn công của ông được giao nhiệm vụ ra cửa rừng hát phục vụ bộ đội trước giờ xuất kích đánh đồn Him Lam với 3 bài hát: Quốc tế ca, Quốc ca Việt Nam và bài Chiến sĩ Việt Nam. Ba bài hát đó được vang lên qua giọng hát ngọt ngào, da diết của Thanh Phúc đã truyền thêm sức mạnh tinh thần, nguồn động viên to lớn cho các chiến sĩ trước khi vào trận đánh.
Những năm 1955-1956, trước thông tin rộ lên “Vua Mèo” gây rối ở biên giới phía bắc, các chiến sĩ đã đến với người dân, vận động họ không đốt rẫy làm nương, hạ sơn xuống núi, sống quây quần bên suối với bản mới định cư. Nhờ đó cuộc sống của người Mông ở Hà Giang được cải thiện, và từ đó họ nghe theo Đảng, đi theo Đảng, nhớ ơn Đảng, Đảng đưa tới cuộc sống người Mông từ nay đã ấm no, bản Mèo rộn ràng vui trong tiếng khèn, người Mèo suốt đời ơn Đảng:
“Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/ Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no/ Không bỏ rẫy đốt nhà, mà lang thang nghèo suốt đời/ Từ nay dân Mèo sống chung/ Bản Mèo vui trong tiếng khèn/ Người Mèo ơn Đảng suốt đời”.
Ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” tựa như lời dân vận, cùng với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tuyên truyền về đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với những người dân bản Mèo.
Ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” cũng là một trong rất ít ca khúc của Việt Nam hiện được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng như: Mông, Trung Quốc, Anh và Pháp… để các ca sĩ thể hiện ca khúc này khi giao lưu với bạn bè quốc tế…và ca khúc này cũng đã trở thành bài hát truyền thống tự hào của đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở các địa phương trên mọi miền đất nước Việt Nam ta.
Một chi tiết về nhạc sĩ Thanh Phúc, tác giả ca khúc “Người Mèo ơn Đảng”, đó là: Trong đoạn phim tài liệu thường được phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, cảnh đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô (10/10/1954), có một chiến sĩ kéo đàn ác-coóc-đê-ông đi cạnh hai chiến sĩ cằm cờ ở hàng đầu đó chính là nhạc sĩ Thanh Phúc đang cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7//5/1954 - 7/5/2024), những ca khúc hào hùng của dân tộc trong chiến dịch tiếp tục được vang vọng trên các vùng quê của mọi miền đất nước, những ca khúc đi cùng năm tháng như: Giải phóng Điện Biên, đường lên Tây Bắc, hò kéo pháo, qua miền Tây Bắc…và không thể thiếu những lời hát của ca khúc “Người Mèo ơn Đảng” của nhạc sĩ Thanh Phúc sẽ vẫn mãi vang vọng trong trái tim của mỗi người Việt Nam nói chung và đồng bào người Mông đang sinh sống ở mọi miền trên đất nước ta nói riêng.