Làm người thầy giáo mặc áo xanh, với cương vị Hiệu trưởng của Trường Quân sự Quân khu 7, đây là một nhiệm vụ mới mẻ và nặng nề, nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, anh đã vượt lên những hạn chế của chính mình bằng tâm niệm: “trường ra trường, thầy ra thầy, lớp ra lớp”. Chỉ trong vòng 5 năm (1999-2004), anh đã góp phần không nhỏ xây dựng Trường Quân sự Quân khu 7 trở thành một trong những trung tâm giáo dục quốc phòng ở phía Nam của Tổ quốc. Những bài viết của anh trên cương vị người thầy đã trở thành cầu nối những kiến thức chiến thuật truyền thống với các kiến thức của chiến tranh hiện đại.
Là nhà nghiên cứu và tướng cầm quân, anh là một trong số các kiến trúc sư của những dự án nhằm bảo toàn lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng - an ninh của một Quân khu có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Có thể nói đó là mảng đề tài luôn đeo đẳng, cuốn hút tâm trí anh.
Khó có thể hình dung hết được công việc của một Tham mưu trưởng Quân khu bộn bề đến nhường nào. Thế nhưng anh vẫn nghiên cứu, viết bài, tranh luận và tham dự hầu hết các cuộc hội thảo khoa học từ cấp bộ, cấp ngành, cấp Quân khu cho đến các học viện, nhà trường với cái nhìn sắc sảo cùng những phát hiện đầy bất ngờ và mới mẻ.
Là nhà báo, anh luôn đối thoại với lịch sử để dự báo cho tương lai. Đó cũng là sở trường của anh. Từ những “ký ức chiến tranh”, theo hành trình “từ chiến trường về nhà trường” hay “trên diễn đàn chỉ huy”, rồi “theo dòng thời sự”, anh luôn đối diện với những vấn đề gai góc vốn rất nhạy cảm của cuộc sống, trên các lĩnh vực, nhất là vấn đề đất đai, chống tham nhũng, cho đến bàn về cái tâm và bản lĩnh của người làm báo... Dù trên cương vị người lính, nhà giáo, tướng cầm quân, nhà nghiên cứu hay nhà báo, anh đều bộc lộ bản lĩnh của người lính Cụ Hồ qua những bài viết trong cuốn Từ ký ức lịch sử đến dự báo tương lai mà chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.