Tối ngày 20/8, tại TP. Đà Nẵng, đã diễn ra Khai mạc Cuộc thi "Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc – 2016”. Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức.
Phát biểu tại lễ Khai mạc, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, tuồng là loại hình sân khấu cổ truyền, đặc sắc vốn có từ lâu đời, là một trong những loại hình sân khấu tiêu biểu gắn với đời sống văn hóa của dân tộc. Hình ảnh các gánh tuồng biểu diễn tại các lễ hội dân gian cho đến chốn cung đình đã trở nên thân thuộc trong đời sống tinh thần của nhân dân. Trong khi đó, dù xuất hiện chưa lâu song dân ca kịch cũng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong các hội diễn, sân khấu chuyên nghiệp.
Ban tổ chức tặng hoa cho các đơn vị tham gia cuộc thi (Ảnh: KS)
Đối với Đà Nẵng, thành phố đang nỗ lực cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng tại địa phương, thông qua việc mạnh dạn đưa nghệ thuật tuồng xuống phố phục vụ du khách vào các tối chủ nhật hàng tuần. Hoạt động này đã từng bước đem đến cho lớp khán giả trẻ những hiểu biết ban đầu về nghệ thuật tuồng từ đó góp phần tạo nên 1 thế hệ khán giả mới đến với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Trưởng Ban tổ chức), hy vọng thông qua cuộc thi các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá được kết quả trong quá trình phát triển 2 loại hình nghệ thuật thời gian qua, từ đó có những giải pháp khắc phục những khó khăn của nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch trong thời gian tới. Đồng thời, đây là dịp để tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sỹ có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa truyền thống.
Cuộc thi có sự tham gia của gần 700 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 11 đơn vị nghệ thuật Sân khấu truyền thống trên toàn quốc, tổng số gồm 17 vở diễn, trong đó có 10 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch. Theo Ban tổ chức, các tác phẩm tham dự Cuộc thi có chủ đề nội dung, tư tưởng rõ ràng mang đậm giá trị nhân văn, phản ánh tinh thần bất khuất của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước; ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ca ngợi những nhân tố tích cực, những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Vở tuồng “Như những tượng đài” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng thực hiện (Ảnh: KS)
Đặc biệt, các tác phẩm cần có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật và hình thức thể hiện, giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca kịch, thể hiện rõ chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật là: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và mang tính dự báo cao.
Các đơn vị tham gia cuộc thi gồm Nhà hát Tuồng Việt Nam; Đoàn Tuồng Thanh Hóa; Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; Nhà hát Tuồng Đào Tấn; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa; Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội thành phố Hồ Chí Minh; Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định; Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ; Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế.
Sau lễ Khai mạc, Cuộc thi "Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc – 2016" đã chính thức bắt đầu với Vở tuồng “Như những tượng đài” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) thực hiện. Cuộc thi sẽ được diễn ra từ ngày 20 đến ngày 29 tháng 8 năm 2016 tại Nhà hát Trưng Vương, TP Đà Nẵng./.
(ĐCSVN)