Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Xuân Hồng đã sáng tác trên 200 ca khúc, tổ khúc, hợp xướng và một số tác phẩm khí nhạc. Ông đã nhận nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối cách mạng Việt Nam, đại tá - nhạc sĩ Xuân Hồng đã để lại cho đời nhiều ca khúc đặc sắc. Người nhạc sĩ kỳ cựu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam được người yêu nhạc gọi là “nhạc sĩ của mùa xuân”. Và là một trường hợp điển hình về người chiến sĩ chiến đấu bằng cây súng và cây đàn, trở thành nhạc sĩ ngay giữa chiến trường ác liệt.
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Tây Ninh. Ông tham gia cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ giao liên và hoạt động văn nghệ ở chiến trường. Năm 1949, ông bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên. Ông đã dùng âm nhạc để động viên tinh thần yêu nước của cán bộ, chiến sĩ. Năm 1962, với đà lớn mạnh của phong trào cách mạng và yêu cầu động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân trên chiến trường miền Nam, Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam chủ trương thành lập Đoàn Văn công, ông được rút về làm trưởng đoàn đầu tiên. Từ đó, ông trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Ngoài vai trò chỉ huy nghệ thuật, ông còn là người chỉ huy quân sự mưu trí, dũng cảm. Vào cuối năm 1966, khi Mỹ đưa hàng chục ngàn quân hình thành thế bao vây hòng tiêu diệt cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam. Đoàn Văn công Quân Giải phóng nằm giữa bốn bề quân Mỹ. Với lực lượng cán bộ, diễn viên cùng số vũ khí sẵn có, ông chia thành các tổ trinh sát, gài mìn, phục kích và bắn máy bay. Lần này, đoàn đã lập công xuất sắc bắn rơi một máy bay trực thăng, diệt một xe tăng và ba tên lính Mỹ. Với thắng lợi này, đoàn đã được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 2.
Nhạc sĩ Xuân Hồng là người có những đóng góp lớn xây dựng nền văn nghệ giải phóng. Tiêu biểu là những tác phẩm: Bài ca may áo, Chiếc khăn tay, Hành quân đêm, Tiếng chày trên sóc Bom Bo... Là một nhạc sĩ tiêu biểu của cuộc chiến tranh cách mạng, Xuân Hồng luôn hướng về người lính. Những tác phẩm sau ngày thống nhất đất nước của nhạc sĩ vẫn là những ca khúc viết cho người lính như: Mùa xuân bên cửa sổ, Cây đàn ghita của Đại đội 3, Người mẹ Việt Nam...
Nhiều ý kiến nói rằng, Xuân Hồng rất có duyên nợ với mùa xuân. Đúng vậy, trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Xuân Hồng được công chúng biết đến có nhiều ca khúc như: Xuân chiến khu, Gương mặt mùa xuân, Mùa xuân bên cửa sổ, Bức ảnh mùa xuân và Thành phố vườn hoa bốn mùa, Nắng Sài Gòn… đều viết vào mùa xuân và về mùa xuân.
Bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” được tác giả sáng tác khi đang trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân năm 1975. Bài ca là bước đi của anh giải phóng quân từ chiến khu miền Đông Nam Bộ về với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Ca khúc cứ vang lên vui tươi, rộn ràng, đầy lòng tự hào: Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đất trời biển rộng bao la… Đó là tiếng hát của trái tim cởi mở, tự hào và phơi phới tình yêu thiên nhiên, con người hòa quyện với tình yêu đất nước. Đó cũng chính là niềm tin và niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam sau bao năm sống trong khói lửa chiến tranh, chia cắt: Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào/ Cờ sao đang tung bay cao... Ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” thực sự là “Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời” và trở thành ca khúc sống mãi với thành phố anh hùng.
LÊ HOAN