Trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang Quân khu 7 vừa xây dựng vừa chiến đấu và trưởng thành. Từ trong muôn vàn khó khăn gian khổ đã sáng tạo ra những cách đánh độc đáo, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của bao thế hệ đi trước, Lực lượng vũ trang Quân khu 7 xứng đáng với truyền thống vẻ vang: “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”… Nhân dịp đầu Xuân mới, Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 đã giành cho phóng viên buổi trao đổi xoay quanh vấn đề này.
Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nghệ sĩ Đoàn Văn công quân khu tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014. Ảnh: Long Hải
Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng! Năm nay LLVT QK 7 tròn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Xin đồng chí cho biết vài nét về truyền thống của LLVT Quân khu 7 trong bảy thập kỷ qua?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: LLVT QK7 ra đời gần một năm sau ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và với sự chỉ đạo của Đảng, của Bác Hồ, sự đùm bọc cưu mang của nhân dân, LLVT QK7 đã vượt qua những chặng đường hết sức khó khăn và thực tiễn chiến đấu, thực tiễn xây dựng ấy đã tạo nên những nét truyền thống tiêu biểu của LLVT QK7.
Chúng ta biết rằng LLVT QK7 được thành lập trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, các điều kiện chiến đấu, đảm bảo chiến đấu ở trên chiến trường miền Nam nói chung và trên địa bàn QK7 nói riêng là hết sức phức tạp. Vấn đề sự lãnh đạo của Đảng với quân đội, vấn đề rèn luyện một đội quân trở thành đội quân trung thành với Đảng, với dân tộc lúc đó là điều vô cùng quan trọng, cấp bách. Nhưng nhờ có sự chi viện của cấp trên, nhờ sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Quốc phòng, của Bác Hồ; nhờ sự linh hoạt trong công tác tư tưởng, công tác giáo dục chính trị và kể cả sự đùm bọc cưu mang của cấp ủy, chính quyền nhân dân địa phương mà LLVT QK7 ngày càng lớn mạnh, trung thành với sự nghiệp chiến đấu của Đảng, của dân tộc ta. Trung thành ở đây là trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân nhưng cũng cần nói rõ rằng lúc đó nhiều lực lượng do địch căng kéo, lợi dụng nhiều chính sách để lôi kéo nhân dân ta, phân tán LLVT ta. Cho nên vấn đề mấu chốt, cấp thiết lúc này là phải làm cho nhân dân ta, cán bộ chiến sĩ LLVT ta hiểu, trung thành với nguyện vọng kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là hòa bình độc lập, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là công việc không dễ dàng nhưng LLVTQK đã làm được điều đó và chính điều đó nó là động lực, là điều kiện tiên quyết để LLVT QK7 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thứ hai, trong điều kiện xa sự chỉ đạo của Trung ương mà thông tin liên lạc hạn chế cho nên vấn đề chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong xử trí các tình huống chiến tranh cũng là nét đặc trưng của Quân khu 7. Chủ động ở đây là chủ động nhận định, đánh giá tình hình riêng của địa bàn QK7 và trong thế trận chung của cả nước, chủ động xây dựng lực lượng từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh và phải phù hợp với từng khu vực trong địa bàn QK. Lại còn phải chủ động về lối đánh, cách đánh phát triển qua từng giai đoạn chiến đấu của quân khu trong kháng chiến chống Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ và kể cả trong các giai đoạn sau này. Thiếu sự chủ động ấy sẽ hạn chế rất lớn đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của quân khu. LLVT QK7 đã hết sức phát huy tính chủ động đó, tạo thế chủ động trên chiến trường để chúng ta giành chiến thắng từng phần và chủ động cùng toàn quân, toàn dân trong việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều thứ 3, vấn đề tự lực tự cường cũng là nét truyền thống nổi bật của quân khu bởi vì, cũng như tôi đã nói ở trên, mình xa Trung ương nên sự chi viện muốn hay không muốn cũng hạn chế: chi viện về nhân lực, chi viện về vũ khí, đảm bảo hậu cần… rất khó khăn.
Trong điều kiện đó, LLVT QK phải tự lực tự cường. Tự lực tự cường trong xây dựng lực lượng, trong xây dựng thế trận, trong vấn đề chế tạo vũ khí, lấy vũ khí của địch đánh địch, tận dụng tối đa sự chi viện từng bước của hậu phương đối với LLVT QK7. Và cái sự tự lực ấy đã giúp cho lực lượng ta tuy nhỏ, nhưng càng ngày càng mạnh và sử dụng sức mạnh tại chỗ triệt để. Ở đây phải nói ngay đến sự đùm bọc cưu mang của các cấp ủy, chính quyền nhân dân địa phương hay nói cách khác là sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân ta đã tạo nên sức mạnh thần kì cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi trọng trách giao phó.Và điều cuối cùng cũng là chất gắn kết cho cả quá trình xây dựng LLVT QK7 đó là đoàn kết quyết thắng. Đoàn kết cán binh, đoàn kết đồng chí đồng đội. Thời đó các cán bộ, chiến sĩ trong QK phần lớn là nông dân mặc áo lính. Chúng ta đã đi vì nghĩa lớn là giải phóng miền Nam, nghĩa lớn là thống nhất đất nước và bây giờ nghĩa lớn là bảo vệ hòa bình cho nhân dân ta. Bên cạnh đó, ngoài việc gắn bó chặt chẽ giữa quân với dân, giữa cấp ủy chính quyền địa phương, giữa các đơn vị vũ trang trong quân khu thì chúng ta còn thể hiện rõ do đặc điểm của quân khu, đó là đoàn kết giữa lực lượng tại chỗ với các lực lượng của các đơn vị bạn, của các đơn vị Bộ đứng chân trên địa bàn và đặc biệt là sự đoàn kết với quân đội bạn, đất nước bạn Campuchia (vấn đề này LLVT Quân khu 7 đã và đang thực hiện rất tốt). Như vậy, với những đặc trưng nổi bật trên, hay khái quát lại: “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng” đã trở thành nét truyền thống tiêu biểu của LLVT QK7.
PV: Thưa Trung tướng! Với truyền thống bộ đội miền Đông “gian lao mà anh dũng”, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, LLVT QK đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Xin đồng chí cho biết trong giai đọan cách mạng hiện nay LLVTQK 7 làm gì để phát huy truyền thống đó?
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Đúng như vậy, điều thứ nhất chính là phải thực hiện rõ vai trò tham mưu của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh quân khu đối với các địa phương trên địa bàn về xây dựng nền quốc phòng toàn dân mà cụ thể là công tác quốc phòng địa phương. Chúng ta phải quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết TW8 (khóa XI) xây dựng hiệu quả khu vực phòng thủ tỉnh thành, là điều sống còn của chúng ta. Đây cũng là kinh nghiệm chiến đấu của dân tộc ta trong suốt quá trình giữ nước. Ở mỗi địa phương, nếu chúng ta xây dựng được điều này tức là khu vực phòng thủ vững mạnh thì nó sẽ tạo ra thế trận ngay trên từng địa phương. Giặc đến đâu cũng bị đánh, làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh và trên cơ sở đó mà các binh đoàn chủ lực họ sẽ làm nòng cốt cho các trận đánh quyết định để giải quyết chiến cuộc. Dĩ nhiên đó là điều mà chúng ta không muốn, nhưng phải xây dựng nó theo như Tôn Tử đã nói, việc binh có thể vạn năm không dùng, nhưng không ngày nào được lơ là việc tổ chức binh, rèn luyện binh, chăm lo việc binh. Điều thứ hai: Chính là phải thực hiện xây dựng thế trận quốc phòng. Yếu tố tiên quyết đầu tiên chính là thế trận lòng dân, nghĩa là làm sao cho mỗi người dân, mỗi người lính phải hiểu đất nước ta với những thời cơ và thách thức; biết được nguy cơ của chúng ta từ đâu đến, nó sẽ diễn ra như thế nào và cái cách để chúng ta hóa giải, ứng xử, loại trừ nó ra sao. Tất cả mọi nỗ lực của Đảng ủy- Bộ Tư lệnh quân khu và các cấp ủy chính quyền địa phương đang thực hiện là chỗ này. Và làm được điều đó, xây dựng được thế trận lòng dân là điều tiên quyết, nhưng không dễ làm. Vì bây giờ là thời bình, mỗi người dân, người lính ngoài trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc còn cuộc sống riêng tư, còn nhiều thông tin đan xen, nhiều quyền lợi lôi kéo, chưa kể sự chống phá của các thế lực thù địch nhưng phải vượt lên những cái đó, để thấy được yêu cầu sống còn của chúng ta là phải xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mà trong đó ổn định chính trị để phát triển kinh tế và phát triển kinh tế cho phép chúng ta có tiềm lực, thực lực để xây dựng sức mạnh chiến đấu của LLVT nói riêng và các khu vực phòng thủ trong quân khu nói chung. Bên cạnh đó còn là thế trận quân sự, thế trận hậu cần và thế trận khoa học kỹ thuật... Nhưng quan trọng nhất vẫn là thế trận lòng dân. Điều thứ ba: Xây dựng các đơn vị LLVT vững mạnh, không đơn giản chỉ là đông đảo người cầm súng. Để người lính bộ binh nắm cách sử dụng vũ khí chỉ mất ba tháng. Nhưng để hiểu âm mưu, thủ đoạn kẻ thù đang chống phá lại chúng ta, đang tiến công chúng ta- không chỉ bằng vũ khí “nóng” mà còn có vũ khí tôn giáo, vũ khí nhân quyền, dân chủ, lịch sử.. và nhiều vũ khí khác mà sức phá hoại không kém vũ khí “nóng”, là vấn đề lâu dài, phức tạp. Và để làm được điều đó phải toàn quân làm, toàn dân làm, cấp ủy chính quyền làm, LLVT phải làm. Nhất quán từ việc nuôi dạy con cái ở gia đình, giáo dục học sinh trong trường học, rồi rèn luyện trong quá trình quân ngũ và kể cả thời gian dự bị động viên, tức là thời gian ngụ binh. Đó là điều rất quan trọng. Quay trở lại vấn đề xây dựng các đơn vị vũ trang trong quân khu, ở đó huấn luyện phải tốt, nề nếp chính quy phải tốt, đời sống vật chất tinh thần phải tốt và ở đó cán binh phải một nhà. Hiện nay LLVT quân khu đang làm tốt điều đó. Mặt khác, rất quan trọng, chúng ta phải thực hiện đối ngoại quân sự để 2 nước Việt Nam - Campuchia có biên giới hòa bình, hữu nghị cho nhân dân 2 nước cùng làm ăn, cùng qua lại để phát triển kinh tế, đó cũng là quá trình phát triển tình hữu nghị vốn có của nhân dân hai nước. Và khi mà chúng ta giữ yên nền hòa bình thì một mặt tạo điều kiện phát triển kinh tế cho đất nước ta, mặt khác cũng chính là góp phần vào hòa bình hợp tác trên khu vực cũng như trên thế giới, hay nói cách khác thông điệp của LLVT Quân khu 7 nói riêng, của quân đội ta, của nhân dân ta nói chung, của Đảng, của Nhà nước ta là thông điệp hòa bình!
PV: Thưa Trung tướng! Mặc dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng tên tuổi, sự nghiệp của người vẫn còn in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Nhân dịp đất nước vào Xuân, Trung tướng có thể cho biết tình cảm của LLVTQK 7 đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam!
Trung tướng Phạm Văn Dỹ: Đây là điều song hành trong suốt quá trình xây dựng của LLVT quân khu, của nhân dân miền Nam nói chung và của nhân dân trên địa bàn Quân khu 7 nói riêng. Bởi ngay sau ngày miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, (mà điều này chỉ xảy ra 21 ngày sau khi chúng ta giành độc lập, ngay sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình), trong bối cảnh khó như vậy thì bấy giờ Đại tướng đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể, tỉ mỉ, sâu sắc đối với việc xây dựng LLVT miền Nam nói chung và LLVT Quân khu 7 nói riêng. Đối với Quân khu 7, ngay từ đầu Đại tướng đã chỉ đạo việc xây dựng LLVT từ nhỏ đến lớn, tự lực tự cường và khi LLVT xây dựng đã đảm bảo một số yêu cầu thì có lúc Đại tướng chỉ đạo tác chiến chiến dịch ví dụ như chiến dịch Lê Hồng Phong, và khi tình thế thay đổi, Đại tướng chỉ đạo phải phân tán lực lượng chủ lực ra để làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc. Đại tướng cũng chỉ đạo về mối tương quan giữa công tác chính trị và công tác quân sự trên chiến trường miền Nam trong đó có địa bàn QK. Sự chỉ đạo của Đại tướng vừa thiên biến vạn hóa vừa nhất quán với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, nhất quán với tư tưởng của Bác Hồ đã giúp cho LLVT Quân khu 7 trong quá trình phát triển từ yếu đến mạnh và có thể nói là từ không đến có. Đó là tình cảm mà nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân trên địa bàn quân khu và LLVT Quân khu 7 nói riêng nhận được từ Đại tướng. Có lẽ không cần thiết phải nói lại vai trò “tướng quân tại ngoại” của Đại tướng năm 1954, cũng không cần phải nói lại tư tưởng “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa…” của Đại tướng ở chiến dịch năm 1975. Tất cả những điều đó, trong hoạt động chỉ đạo của Đại tướng với toàn quân nói chung và QK7 nói riêng, lịch sử đã in dấu chẳng những về tài năng mà còn là đức độ, là tình cảm của Đại tướng với mỗi cán bộ, mỗi chiến sĩ ngay trong thời chiến. Qua tư liệu, tôi nhớ như in hình ảnh Đại tướng, một vị Đại tướng đã đứng nghiêm chào một binh nhì của mình trước ngày binh nhì đó ra trận. Đó không phải là chuyện ngược đời Đại tướng chào binh nhì, mà đó là sự gửi gắm tình cảm, là sự tin tưởng của Đại tướng với đoàn quân của mình ra đi làm nhiệm vụ, ra đi giải phóng miền Nam. Và sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng đã vào Nam, vào Quân khu 7 thăm hỏi từng người, từ người đồng đội cũ của ông ở Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là cụ Tô Đình Cắm, đến những cán bộ chiến sĩ đã lập công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến nhân dân, là những người đã đùm bọc, chở che cho LLVT của chúng ta. Đó là cách xử sự không chỉ của một Đại tướng quân mà còn là của một nhà văn hóa. Người ta tôn vinh Đại tướng, người ta coi ông là con người của huyền thoại ngay khi còn sống có lẽ là vì những điều đó!
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy quân khu !
NGUYỄN THẾ LỰC (thực hiện)