Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ân vốn người gốc huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội. Từng cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc suốt những năm 1981-1986, ông càng thêm thấm thía sự quý giá của hòa bình. Vì vậy, năm 1994, khi đưa gia đình vào thôn Tân Lập, xã Đan Phượng định cư, ông quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng từ sức mạnh người lính.
Ban đầu, cũng như hầu hết người dân xã Đan Phượng, ông trồng cà phê. Dẫu rằng chọn giống chuẩn, chăm sóc tốt, cây cà phê vẫn không mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Vậy là ông Ân tiếp tục mày mò với mục tiêu tìm được cây trồng phù hợp với đất Đan Phượng, lại cho thu nhập tốt. Cuối cùng, ông thử nghiệm trồng bưởi, giống cây có múi quen thuộc với miền Tây Nam Bộ nhưng còn khá lạ với đất cà phê. Ông xuống tận các nhà vườn chuyên trồng bưởi dưới miền Tây, học hỏi kỹ thuật chăm bón, diệt trừ bệnh hại, cách vun gốc giữ quả… Giống bưởi da xanh ruột hồng cũng được lấy từ nhà vườn có uy tín, là giống ghép cho thu hoạch nhanh, sức sống tốt. Đó là thời điểm năm 2011.
Khi mới bắt đầu trồng bưởi, ông trồng xen trong vườn cà phê, cây bưởi lớn dần, ông chặt bớt cà phê để bưởi có đủ ánh nắng. Sau 2 năm, những cây bưởi ghép cho thu hoạch lứa bói, ông còn nhớ lúc đó đạt 2 tấn trái, ông mang biếu hết bà con trong thôn, trong xã để bà con ăn thử và cảm nhận độ ngon, ngọt của trái bưởi da xanh trồng trên cao nguyên. Và đồng thời ông chặt hết cà phê, tiếp tục trồng thêm những cây bưởi da xanh để mở rộng diện tích. Hiện tại, ông có 4 ha bưởi da xanh với 3.100 cây đang cho thu hoạch. Mỗi năm, ông thu được 60 tấn bưởi, giá trung bình 30 - 50 ngàn đồng/kg tùy kích cỡ. Ngay trong khoảng thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như năm nay, ông vẫn bán được bưởi với giá trung bình 20 ngàn đồng/kg. Vườn bưởi có thể cho tiền tỉ với công chăm sóc vừa phải, lại không chịu áp lực về công lao động như cà phê vào mùa thu hoạch rộ.
Theo ông Ân, đất Lâm Hà có điều kiện tự nhiên khác miền Tây sông nước, cây bưởi cũng có chu trình sinh trưởng, bệnh hại khác cây bưởi dưới xuôi. Vì vậy, ông vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm các kỹ thuật canh tác hợp lí. Ở Lâm Hà, cây bưởi thường ra hoa vào dịp đầu năm, sau 9 tháng cây sẽ cho thu hoạch. Vụ bưởi chính kéo dài từ tháng 8 tới cuối năm. Để canh chính vụ, ông Ân bón thúc đúng thời điểm, giúp to cuống hoa, trái đậu nhiều. Khi trái ra phải canh để mỗi cây chừng 20 - 30 trái, ngắt bỏ hết những trái méo, vẹo, trái bị sượng do côn trùng chích. Ông sử dụng nhiều phân hữu cơ bón lót, thêm kali cho trái ngọt, mọng nước. Đặc biệt, ông Ân chú trọng phòng ngừa bệnh hại cho bưởi bằng các kỹ thuật canh tác sinh học. Ông chia sẻ: “Cây bưởi chủ yếu bị ruồi vàng đục trái, tôi bảo vệ trái bằng các túi bao trái chuyên dụng. Ngoài ra, trên các cây bưởi đều treo chai long não xua đuổi côn trùng. Khi ruồi vàng đẻ trứng, tôi dùng lá xoan, lá quỳ đun nước, làm cồn sinh học với gừng tỏi ớt xịt khiến trứng ruồi vàng ung hết. Nói chung phải chú ý theo dõi vòng đời của côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý hiệu quả”.
Vườn bưởi của ông Nguyễn Văn Ân là một trong những vườn bưởi đầu tiên của khu vực. Vì vậy, nhiều nông dân tới tìm mua giống, học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi và ông Ân nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, chuyên sản xuất giống bưởi cung cấp cho bà con. Hiện mỗi năm ông xuất bán 1 vạn cây giống bưởi da xanh ghép chất lượng tốt, trồng 2 năm cho trái. Đồng thời, ông sẵn sàng chuyển giao quy trình trồng, kinh nghiệm chăm sóc cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà nhận xét, ông Nguyễn Văn Ân là tấm gương nông dân sản xuất giỏi, một cựu chiến binh năng nổ gương mẫu, là động lực cho rất nhiều nông hộ trong xã thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ cà phê già cỗi sang cây trồng khác cho thu nhập tốt hơn, ổn định hơn.