Những đêm không ngủ ở phòng Hồi sức cấp cứu
Bố chồng tôi và tôi được chuyển vào phòng Hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Tình hình của bố tôi khá nặng, khó thở, chóng mặt, không đi lại được. Sau khi thăm khám, đo huyết áp, đo nhịp tim, bố tôi được cho thở oxy, tiêm thuốc kháng sinh, chống viêm, chống đông máu. Người già, lại có bệnh lý nền, sức khỏe của bố tôi ngày càng xấu đi. Qua chụp X-quang phổi, bố tôi đã bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải thở oxy lưu lượng cao (HFNC). Ròng rã nửa tháng, hai bố con “cắm chốt” ở phòng Hồi sức cấp cứu. Với sự tận tâm, trách nhiệm của các y, bác sĩ, bố tôi dần đáp ứng phác đồ điều trị, chỉ số chức năng phổi dần ổn định.
Với sự tận tâm của các các y, bác sĩ, bệnh nhân nặng đã “cai” được máy thở oxy lưu lượng cao, chuyển qua thở oxy mũi
Đêm đầu tiên tại bệnh viện, tôi không tài nào ngủ được. Về khuya, trong không gian tĩnh lặng, những tiếng kêu “khó chịu” của các loại máy móc, thiết bị y tế khiến tôi trằn trọc mãi, rồi chứng kiến ca cấp cứu bệnh nhân bị suy hô hấp nặng. Bệnh nhân là một cụ già, nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Kíp trực tối hôm đó đã tiến hành đặt ống nội khí quản, cho thở máy xâm nhập để hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân. Ống nội khí quản được đặt vào đường thở và nối với máy. Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc an thần và thở hoàn toàn theo máy. Tuy nhiên, bằng tất cả sự nỗ lực, tận tâm của các y, bác sĩ, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Mấy ngày sau, người hàng xóm cạnh nhà tôi cũng nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Em tên là D, sinh năm 1984, có vợ và hai con nhỏ. Em có bệnh nền là tiểu đường và béo phì. Mặc dù đã xuất hiện một số triệu chứng của Covid và vợ con em đều có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính, nhưng em vẫn chủ quan, không đi điều trị. Đến khi bệnh trở nặng, tức ngực, khó thở, em mới vội vàng nhập viện. Qua 2 ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập (thở oxy lưu lượng cao), tình trạng của em tiếp tục xấu đi, chụp X-quang phổi có màu trắng đục. Em bị suy hô hấp nặng dẫn đến suy đa cơ quan. Bác sĩ chỉ định can thiệp đặt ống nội khí quản và chuyển lên tuyến trên điều trị, hy vọng em sẽ qua khỏi. Nhưng chẳng có phép màu nào xảy ra cả. Ngày hôm sau, vợ e báo tin: em đã qua đời vì Covid.
Trong những ngày nằm viện điều trị Covid, tôi đã thấy sự khủng khiếp đáng sợ mà Covid đang gieo rắc cho mỗi người, mỗi gia đình và nhân loại. Lằn ranh sinh tử trở nên mong manh. Tôi đã thấy những đau thương hiện hữu khi sự ra đi nhanh chóng và đột ngột của những F0 trở nặng và nguy kịch. Chẳng có nỗi đau đớn nào bằng sự chia ly vội vã trong cô độc, không người thân bên cạnh.
“Hạnh phúc của người thầy thuốc quân y là được điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid”
Trái ngược với sự đau thương, mất mát vì Covid, lòng tôi ấm áp khi có sự sẻ chia, cảm thông, tinh thần làm việc “quên ăn, quên ngủ” của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện đối với bệnh nhân. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, khuôn mặt luôn che kín sau lớp khẩu trang và tấm chắn giọt bắn, tôi chỉ phân biệt bác sĩ này với bác sĩ kia bằng giọng nói. Tôi vẫn luôn nhớ giọng nói ấm áp của bác sĩ Lâm Ánh Tuyết khi sáng nào cũng ân cần đến từng giường bệnh hỏi thăm sức khỏe của từng bệnh nhân. Rồi giọng nói nhẹ nhàng, tình cảm của bác sĩ Vũ Đình Thịnh khi kiên nhẫn giải thích tình trạng bệnh cho người nhà bệnh nhân hiểu và chia sẻ với bệnh viện. Các bệnh nhân khi nhập viện vào phòng cấp cứu đều là những ca bệnh nặng, trong đó có nhiều cụ già lớn tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ không còn minh mẫn. Có cụ không thể đi lại được, nhưng nhất định không chịu mặc bỉm, nhiều khi tiểu tiện ra sàn nhà. Chỉ tội cho các em điều dưỡng, chẳng nề hà gì, vẫn ân cần, nhẹ nhàng, lau dọn vệ sinh sạch sẽ. Cụ nào yếu thì các em xúc cháo, chăm sóc chu đáo như người thân.
Trên cương vị Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Trương Hoàng Việt luôn sâu sát, bám nắm bệnh viện, thường xuyên kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid. Bác sĩ Việt chia sẻ: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của đội ngũ y, bác sĩ quân y là được điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid. Dù nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng chúng tôi luôn xác định sức khỏe của người bệnh, của cộng đồng là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư để vì hạnh phúc chung, đó là chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Bác sĩ Trương Hoàng Việt, Giám đốc bệnh viện, tặng quà, động viên các bệnh nhân Covid
Các ca F0 của phường 14, quận 10 đi điều trị tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông
Một tài khoản facebook bày tỏ lòng biết ơn đối với các y, bác sĩ Bệnh viện Quân dân y miền Đông
24 ngày nằm viện, bố tôi đã đi lại được, ăn uống tốt, xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính. Hai đứa con trai và đứa cháu của tôi bị nhiễm Covid thể nhẹ nên đã xuất viện trước đó. Vượt qua “cửa tử”, gia đình tôi được đoàn tụ, sum vầy trong niềm hạnh phúc hân hoan. Ngày xuất viện về nhà, sống mũi tôi cay cay. Những giọt nước mắt lăn dài trên má: Đã có những con người không có ngày trở về đoàn tụ như gia đình tôi. Điều tôi muốn nhắn gửi đến những người khỏe mạnh, may mắn không nhiễm Covid: Đừng bao giờ chủ quan, coi thường sự nguy hiểm của Covid. Chúng ta có thể nhịn ăn, nhưng không bao giờ nhịn thở. Hãy thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là quy định 5K + vaccine.