(QK7 Online) - Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cựu chiến binh dù thân thể không còn nguyên vẹn, tỷ lệ thương tật cao, nhưng với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, họ đã vươn lên thoát nghèo, làm thay đổi diện mạo kinh tế địa phương.
Qua lời giới thiệu của chú Phạm Minh Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Cu Em ở tổ 10, ấp Trung là một điển hình cựu chiến binh vượt khó, thoát nghèo.
Là thương binh 2/4, bị mất một chân khi tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, năm 1987, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cu Em trở về với cuộc sống đời thường. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, hai vợ chồng chú phải đi làm thuê, làm mướn để lo cho các con ăn học. Năm 2009, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, vợ chồng chú được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng lan mô-ca-ra cắt cành, mang lại hiệu quả cao. Với sự chăm chỉ, cần cù và kinh nghiệm trồng lan, từ 4.100 gốc lan ban đầu, chú đã nhân giống, mở rộng diện tích trồng lan đến nay là 7.500 gốc lan, mỗi tháng thu về trên 5 triệu đồng. Nhìn vườn lan phát triển xanh tốt, những cánh hoa rực rỡ trong nắng vàng mới thấy hết nghị lực của cựu chiến binh Nguyễn Văn Cu Em - “thương binh tàn nhưng không phế”, quyết tâm thoát nghèo trên chính quê hương của mình.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cu Em chia sẻ: “Ngày xưa mình nghèo khổ, phải đi làm thuê làm mướn, bây giờ được như vầy là quý lắm rồi. Dù không giàu có hơn ai nhưng mình không còn cực khổ nữa”.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cu Em bên vườn lan phát triển tươi tốt
Với mô hình trồng lan mô-ca-ra cắt cành, nhiều trường hợp cựu chiến binh ở xã Tân Thông Hội đã vươn lên thoát nghèo, cho thu nhập ổn định. Theo lý giải của các cựu chiến binh, ngoài hiệu quả về kinh tế, trồng lan rất thích hợp với xu thế phát triển nông thôn mới ở huyện Củ Chi, lại vừa phù hợp với sức khỏe của các cựu chiến binh khi phần lớn đều không còn trẻ. Như trường hợp của chú Mai Văn Cỡ ở tổ 2 ấp Trung, năm 2006 được Trung tâm khuyến nông huyện hỗ trợ con giống, kỹ thuật trồng lan, chú đã phát triển 4.000 gốc lan mô-ca-ra và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng lan để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Cựu chiến binh Mai Văn Cỡ có cuộc sống ổn định từ trồng lan
Tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương, các cựu chiến binh xã Tân Thông Hội luôn tích cực đi đầu, trở thành những mô hình tiêu biểu trong xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo một vùng quê cách mạng vốn nghèo khó này. Cựu chiến binh Nguyễn Phước Danh ở tổ 2 ấp Thượng, từng tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, đã làm giàu trên chính quê hương của mình. Thu nhập từ trồng lúa, trồng màu không đủ trang trải cuộc sống, năm 2000, cựu chiến binh Nguyễn Phước Danh chuyển sang nuôi bò sữa. Được vài năm thì giá sữa xuống thấp, chú Danh chuyển sang chế biến sữa chua từ sản phẩm sữa bò tươi. Với cách làm này, cuộc sống gia đình chú khấm khá hơn, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, từ việc làm sữa chua, gia đình chú còn giải quyết cho gần 10 lao động nhàn rỗi ở xóm ấp và thu mua sữa bò cho bà con nông dân.
Trò chuyện với chúng tôi, chú Danh cho biết chính những năm tháng phục vụ trong quân đội đã rèn luyện cho chú phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó, phải luôn nỗ lực phấn đấu để đạt được những điều mình mong muốn.
Cựu chiến binh Nguyễn Phước Danh vừa chăn nuôi bò sữa, vừa phát triển kinh tế gia đình
Trở về với cuộc sống đời thường, từ hai bàn tay trắng, các cựu chiến binh đã nỗ lực vươn lên, khẳng định sức mạnh, nghị lực của những người lính không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”. Những đóng góp tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn lao của các cựu chiến binh đã làm bừng sáng sức sống của vùng đất kiên trung.
Bài, ảnh: Thu Cúc