Năm 1946, đồng chí vào chiến trường miền Nam, tham gia đào tạo cán bộ ấp, xã ở Xuân Lộc. Tháng 11-1946, đồng chí về nhận nhiệm vụ Chính trị viên Đại đội A, Chi đội 16 tỉnh Bà Rịa. Tháng 1-1947, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Công tác ở Đại đội A không lâu, đồng chí Đặng Quang Long được điều về làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ sơ cấp của tỉnh Bà Rịa. Với cương vị Hiệu trưởng, đồng chí cùng nhà trường, khắc phục khó khăn, mở được hai lớp đào tạo, quân số gần 350 cán bộ cho các đơn vị trong tỉnh. Giữa năm 1947, đồng chí về nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Chính trị Phân khu Duyên Hải.
Thiếu tướng Đặng Quang Long
Điền đạt kết quả tốt, được Ban Chỉ huy Trung đoàn 397 biểu dương. Phát huy thắng lợi, Tiểu đoàn trưởng Đặng Quang Long chỉ đạo đơn vị biệt động tiếp tục đánh phá địch trong thị trấn Long Thành, buộc địch phải co cụm lại, tạo thuận lợi cho tiểu đoàn thọc sâu vào trung tâm, bám trụ và phát triển cơ sở.
Đầu năm 1950, đồng chí Đặng Quang Long được điều về làm Chính trị viên Trung đoàn 397 Bà Rịa. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí thâm nhập, nắm tình hình một số đơn vị đại đội chủ lực, đại đội địa phương và các huyện đội Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Sau thời gian tìm hiểu, đồng chí báo cáo lại với Ban Chỉ huy Trung đoàn những mặt mạnh, yếu, cùng bàn bạc, thống nhất những vấn đề cần tập trung giải quyết: Củng cố hệ thống Đảng từ cơ sở đến trung đoàn, củng cố hoạt động công tác chính trị ở cơ sở đại đội; kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, mở lớp bồi dưỡng cán bộ trung đội, đại đội, gửi cán bộ tiểu đoàn tham gia các lớp do Khu và Nam Bộ mở; nghiên cứu thêm phương thức tác chiến, đẩy mạnh hơn nữa tác chiến tiến công địch, đánh mạnh vào thị trấn, thị xã, buộc địch phải chuyển về phòng thủ, không cho chúng rảnh tay đánh vào căn cứ ta. Được Ban Chỉ huy Trung đoàn nhất trí, đơn vị tiến hành củng cố theo các mặt trên và có nhiều tiến bộ.
Cuối năm 1950, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Tiểu đoàn chủ lực 300, đồng chí Đặng Quang Long được điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn. Đồng chí cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức nhiều trận đánh giành thắng lợi: Đánh chiếm Tiểu khu Cần Giờ (1-1952), diệt đồn Ông Quế (đầu năm 1952), phục kích đoàn ghe vận tải lương thực, thực phẩm Sài Gòn - Phnôm Pênh (từ cuối năm 1952 đến đầu năm 1953)...
Tháng 3-1953, đồng chí được cử đi học lớp chỉnh Đảng do Trung ương tổ chức ở Bồng Sơn (Bình Định). Qua học tập, đồng chí đã xác định được sâu sắc hơn nhiệm vụ, ý thức giai cấp, phân định rõ ta - bạn - thù; hiểu các chính sách lớn của Đảng... Hoàn thành khóa học, tháng 3-1954, đồng chí trở về chiến trường Bà Rịa - Chợ Lớn và được Khu ủy Khu 7 chỉ định làm Trưởng phái đoàn của tỉnh Bà Rịa, trực tiếp đàm phán với địch để di chuyển toàn bộ lực lượng vũ trang trong tỉnh tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định Giơnevơ.
Sau khi tập kết ra miền Bắc, giữa năm 1954, đồng chí Đặng Quang Long nhận nhiệm vụ mới - Chính ủy Trung đoàn 4, Sư đoàn 330. Giữa năm 1957, đồng chí được Bộ Quốc phòng điều đi học lớp chính trị cao cấp. Hoàn thành khóa học, đồng chí được điều về làm Chính ủy Trung đoàn 202 (Trung đoàn xe tăng đầu tiên của ta). Sau thời gian đào tạo ở Trung Quốc trở về nước, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Trun đoàn chỉ huy đơn vị thực hiện 4 cuộc diễn tập (cùng các sư đoàn bộ binh 308, 320) nhằm nâng cao trình độ hiệp đồng binh chủng và tập trung tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tập, huấn luyện, xây dựng trung đoàn vững mạnh, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Đầu năm 1963, đồng chí Đặng Quang Long trở lại chiến trường miền Nam, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9. Qua nghiên cứu tìm hiểu, nhận thấy lực lượng vũ trang Quân khu còn nhiều mặt yếu, chất lượng chiến đấu chưa cao, thương vong nhiều..., đồng chí đã đề xuất tăng cường công tác đảng, công tác chính trị, nhất là đối với cấp cơ sở đại đội. Sau thời gian cùng Bộ Tư lệnh Quân khu kiện toàn hệ thống chính trị, cơ quan chính trị từ Quân khu xuống đến các tỉnh đội, huyện đội và tổ chức hội nghị các bí thư chi bộ toàn Quân khu, nhiều vấn đề gai góc, lúng túng trong nhận thức và thực hiện công tác đảng, công tác chính trị tại các cơ quan, đơn vị Quân khu 9 đã được giải quyết, tháo gỡ.
Tháng 3-1964, đồng chí được điều về đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 6-1967, Quân khu 1 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định giải thể, thành lập 6 phân khu (1, 2, 3, 4, 5, 6), đồng chí Đặng Quang Long nhận nhiệm vụ Chính ủy Phân khu 4. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Phân khu 4 được giao nhiệm vụ từ Thủ Đức đánh thẳng vào Sài Gòn, vượt qua Hàng Xanh, chiếm cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ), sau đó chiếm một phần Quận 1 từ Dinh Độc Lập tới Sở thú. Để chuẩn bị cho trận đánh, Chính ủy Đặng Quang Long đã tập trung lực lượng, huấn luyện bộ đội và chấn chỉnh cơ quan. Từ cuối tháng 1 đến tháng 3-1968, các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (trong đó có Phân khu 4) tiến công vào nhiều Sở chỉ huy các quân đoàn, sư đoàn, các tiểu khu, chi khu quân sự, các sân bay, bến tàu, căn cứ hải quân địch... giành thắng lợi lớn. Cuối năm 1972, các phân khu giải thể, đồng chí Đặng Quang Long về làm Phó Chính ủy Quân khu miền Đông kiêm Chủ nhiệm Chính trị (1974-1975). Đầu năm 1975, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Trường Quân chính Trung - Cao cấp Miền. Đồng chí cùng Ban Giám hiệu lãnh đạo nhà trường đào tạo, rèn luyện những cán bộ chỉ huy có bản lĩnh, trình độ quân sự, chính trị đáp ứng được yêu cầu quản lý, chỉ huy cho các đơn vị, chiến trường.
Những năm từ 1975 đến 1978, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 và được cử đi học lớp quân sự cao cấp tại Học viện Quân sự Cao cấp Hà Nội (nay là Học viện Quốc phòng). Kết thúc khóa học, năm 1979, đồng chí Đặng Quang Long về đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh Chính trị tiền phương Quân khu 7 tại Campuchia. Đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang Quân khu 7 phối hợp với Quân tình nguyện và các lực lượng bạn đập tan tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, giải phóng đất nước Chùa Tháp.
Từ năm 1982 đến năm 1987, đồng chí Đặng Quang Long được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu 7 kiêm Tư lệnh Mặt trận 779. Năm 1985, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 779, đồng chí chỉ huy các đơn vị giúp tỉnh Côngpông Chàm, Côngpông Thơm, Crachiê, Prây Veng, Xvây Riêng xây dựng lực lượng vũ trang, thực lực chính trị, tạo điều kiện để chính quyền bạn đứng vững, tự quản lý được địa phương. Đồng thời, các lực lượng của Mặt trận phối hợp chặt chẽ với bạn đánh tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng phản động Pôn Pốt - Iêng Xari trên địa bàn.
Năm 1989, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương: Tham gia Hội Cựu chiến binh Thành phố, tích cực trong các hoạt động từ thiện… Ngày 6-4-2009, do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần để lại niềm tiếc thương cho gia đình và đồng đội.
Là chiến sĩ “bộ đội Cụ Hồ” từ những ngày đầu cách mạng, tham gia lãnh đạo, chỉ huy các binh chủng bộ binh, pháo binh, bộ đội tăng - thiết giáp, chiến đấu ở nhiều chiến trường gian khổ, ác liệt cho đến ngày đất nước thống nhất, đồng chí Đặng Quang Long vẫn tiếp tục cống hiến cho cách mạng; tham gia lãnh đạo, chỉ huy Mặt trận 779 giúp bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng và phát triển đất nước.
Dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình, dù là người chiến sĩ hay chỉ huy, đồng chí Đặng Quang Long cũng luôn gương mẫu, chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng; sống có nghĩa, có tình được đồng chí, đồng đội và gia đình tin yêu, kính trọng. Đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến công Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.