(QK7 Online) - Đồng chí Võ Minh Như, sinh ngày 15-10-1926, tại xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh (nay thuộc thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình có 9 anh chị em (đồng chí Võ Minh Như là con thứ 9). Do nhà nghèo, không có ruộng đất, năm 1944, học xong lớp “Rimme”đồng chí Võ Minh Như theo anh trai vào Sài Gòn - Chợ Lớn mưu sinh, lập nghiệp. Với truyền thống quê hương cách mạng và bầu máu nóng tuổi trẻ, đồng chí Võ Minh Như đã sớm giác ngộ cách mạng.
Ngày 23-9-1945, đồng chí cùng một số thanh niên tiến bộ từ Sài Gòn ra Biên Hòa tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong và vào Vệ quốc đoàn. Tại đây, đồng chí đã tham gia một khóa học ngắn ngày do Vệ quốc đoàn của Biên Hòa tổ chức. Ngày 8-10-1945, đồng chí được biên chế về Đại đội “C” thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tại Đại đội “C”, đồng chí làm Trung đội trưởng Trung đội 7 (lúc này Trung đội 7 không có đảng viên), được các đảng viên trong Đại đội “C” tuyên truyền giác ngộ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian công tác tại Đại đội “C”, đồng chí đã vận động, giác ngộ nhiều người vào Đảng, trong đó có những thanh niên là công nhân, nông dân các sở cao su: Ba Lăng Xi, Hê Lê Na và các xã Tam Phước, Phú Hữu, Phước An, Phước Thọ... Đến giữa năm 1946, từ Đại đội “C” làm nòng cốt, lực lượng Vệ quốc đoàn tại huyện Long Thành đã phát triển lên hơn 200 người, tổ chức thành 4 phân đội. Tháng 6-1946 chấp hành chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu, Vệ quốc đoàn Biên Hòa (gồm Vệ quốc đoàn Biên Hòa, Vệ quốc đoàn Châu Thành) và Vệ quốc đoàn Long Thành sáp nhập thành Chi đội 101.
Thiếu tướng Võ Minh Như và con trai: Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 (nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Quân khu 7, năm 2015.
Giữa năm 1949, đồng chí Võ Minh Như được cử đi học tại Trường Bổ túc cán bộ Nam Bộ. Kết thúc khóa học (1951), đồng chí về nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội 65, Tiểu đoàn 303 Thủ Biên. Trong thời gian này, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Võ Minh Như, Đại đội 65 cùng Tiểu đoàn đã tập kích vào Yếu khu Trảng Bom (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Thủ Biên) tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; phá bàn đạp của địch đánh vào Chiến khu Đ và mở thông hành lang giao liên. Đây là đơn vị cấp đại đội đầu tiên, trận chiến đấu đầu tiên của tỉnh Thủ Biên, diệt gọn một yếu khu quân sự của địch tại miền Đông Nam Bộ.
Cuối năm 1951, đồng chí được điều về làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 309 Mỹ Tho. Từ đầu năm 1952 đến năm 1954, đồng chí được cấp trên điều về đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 306 Gia Định - Ninh. Trong thời gian công tác tại Tiểu đoàn 306, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức nhiều trận chiến đấu. Tiêu biểu: Trận phục kích tiêu diệt gọn một đại đội Cao Đài phản động trên quốc lộ 26; cùng các lực lượng vũ trang tỉnh Gia Định - Ninh tổ chức đánh địch càn quét tại các huyện Bời Lời, Trảng Bom, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Bình Mỹ, Chiến khu Dương Minh Châu và thực hiện công tác Cao Đài vận.
Sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954), đồng chí Võ Minh Như (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306) cùng đơn vị tập kết ra miền Bắc, đóng quân tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (Tiểu đoàn 306 lúc này thuộc biên chế của Trung đoàn 2, Sư đoàn 330). Từ năm 1956 đến năm 1958, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tham mưu phó Trung đoàn 2, Sư đoàn 330. Từ năm 1958 đến năm 1959, đồng chí được cử đi học tại Trường Trung – Cao quân sự. Tốt nghiệp khóa học, đồng chí được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 330. Cuối năm 1960, đồng chí được điều về làm Trợ lý Tác chiến Sư đoàn 338.
Năm 1961, đồng chí Võ Minh Như được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm Khung trưởng Khung cán bộ quân sự miền Nam (Đoàn Thực binh 210, gồm cán bộ từ cấp trung đội đến tiểu đoàn). Khoảng 200 đồng chí được đào tạo tại miền Bắc, đưa vào miền Nam làm nòng cốt xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Lực lượng này khi vào Sài Gòn được biên chế về Cà Mau, Quân khu 9.
Từ cuối năm 1962 đến năm 1963, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Đốc chiến Quân khu 9. Từ năm 1964 đến năm 1965, đồng chí là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 miền Đông Nam Bộ (là trung đoàn đầu tiên được thành lập tại Quân khu 9). Sau đó, đồng chí được điều sang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 chủ lực Miền. Vừa mới thành lập được một tháng, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Võ Minh Như, đơn vị tổ chức tập kích diệt gọn 2 đại đội quân ngụy đóng tại Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh) và tiêu diệt địch tại Bù Đốp, Phước Long. Với những trận chiến đấu vang dội, cùng nhiều hoạt động có hiệu quả, trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
Đầu năm 1968, đồng chí được điều về làm Tư lệnh Sư đoàn, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn bộ binh 5. Thời kỳ này, địa bàn tác chiến của sư đoàn được trải dài: Bà Rịa - Long Khánh - Biên Hòa, Tây Bắc Sài Gòn, Trảng Bàng, Dầu Tiếng, bảo vệ căn cứ Dương Minh Châu, Mặt trận Bắc Củ Chi, Mặt trận Long Khánh. Trong các chiến dịch, các trận chiến đấu, đối tượng tác chiến của Sư đoàn bộ binh 5 là các đơn vị “sừng sỏ” của quân Mỹ, ngụy như: Sư đoàn bộ binh cơ giới 25, Sư đoàn kỵ binh thiết giáp 1, các lữ đoàn của Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới”, Lữ đoàn 1 của Sư đoàn kỵ binh không vận... đồng chí Võ Minh Như đã thể hiện tài thao lược của một nhà cầm quân, “biết địch, biết ta”, “lúc cương, lúc nhu”, “lúc tiến công, khi phòng ngự”, “tập kích, phục kích”, phối hợp cùng các lực lượng “lúc ẩn, lúc hiện”... Qua các cuộc chiến đấu, bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của sư đoàn được nâng lên; từ một sư đoàn mới thành lập, vũ khí, trang bị không đồng bộ, kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu còn nhiều hạn chế, sư đoàn đã vươn lên thành một sư đoàn mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Có được thành tích đó, là sự đóng góp to lớn, không tiếc máu xương của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn, trong đó có Tư lệnh Sư đoàn Võ Minh Như. Đồng chí chính là hạt nhân, là “xúc tác” cho các chiến thắng của Sư đoàn bộ binh 5 anh hùng.
Thiếu tướng Võ Minh Như và Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Bắc, Tổng Biên tập Báo Quân khu 7 tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Quân khu 7, năm 2015.
Từ năm 1969 đến năm 1971, đồng chí Võ Minh Như đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Quân chính Trung - Cao cấp Miền (gọi tắt là H14; nay là Trường Sĩ quan Lục quân 2). Ngày 25-1-1969, Trường khai giảng khóa học đầu tiên hệ trung - cao cho 207 đồng chí. Sau khi tốt nghiệp, các học viên là lực lượng cán bộ cốt cán, chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn, cơ quan sư đoàn, tỉnh, Quân khu, Bộ Chỉ huy Miền. Thượng tá Võ Minh Như - Tư lệnh Sư đoàn năm nào trở thành một Hiệu trưởng, một nhà giáo, bằng kinh nghiệm thực tiễn trận mạc của mình đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhiều lớp cán bộ quân sự cho các đơn vị miền Đông Nam Bộ.
Năm 1970, Mỹ - ngụy tiến công vùng Đông Bắc Campuchia. Để bảo đảm an toàn cho vùng giải phóng, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia, đồng chí Võ Minh Như được bổ nhiệm Tư lệnh phó. Qua 2 tháng chiến đấu, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Minh Như cùng Bộ Tư lệnh, ta đã tiêu diệt một số chi khu, thị trấn và đồn bốt của địch dọc biên giới, mở rộng khu vực đứng chân cho các cơ quan, đơn vị, bảo đảm an toàn trên hướng Tây, phá được thế bao vây hai mặt của địch.
Sang năm 1972, do sức khỏe không tốt, đồng chí ra miền Bắc điều trị bệnh. Đến năm 1974, đồng chí được cử đi học lớp bổ túc quân sự cao cấp, Trường Bộ Tổng Tư lệnh. Sau khóa học, đồng chí được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 7 (1975-1976).
Từ năm 1976 đến năm 1979, đồng chí Võ Minh Như giữ chức Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7. Từ năm 1979 đến năm 1980, đồng chí là Tham mưu trưởng Quân khu 7. Cũng trong giai đoạn này, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 5 (30-5-1979) có Nghị quyết thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Theo đó, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, đồng chí Võ Minh Như được điều chuyển, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Năm 1982, đồng chí Võ Minh Như đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Mặt trận 779, Quân khu 7. Những năm từ 1984 đến 1986, đồng chí được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu 7 kiêm Tư lệnh Mặt trận 779 và được thăng quân hàm Thiếu tướng (1984). Thời kỳ này, Khơme Đỏ chuyển hướng tiến công chiến lược, tập trung xây dựng các căn cứ ngoại biên (căn cứ trên đất Thái Lan) kết hợp xây dựng các căn cứ “lõm” (căn cứ trong nội địa), tạo tuyến hành lang, nối thông từ “ngoài vào trong”; đồng thời tổ chức cưỡng ép, bắt lính, thường xuyên tổ chức các cuộc tập kích vào nội địa gây cho ta nhiều khó khăn. Tư lệnh Võ Minh Như cùng Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận 779 xây dựng quyết tâm đánh địch ở cả hai mặt trận (ngoại biên và nội biên) với tư tưởng chỉ đạo: “Đánh rắn phải đánh dập đầu”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Tư lệnh Võ Minh Như cùng Bộ Chỉ huy, các sư đoàn, trung đoàn của Mặt trận 779 phối hợp với các lực lượng vũ trang bạn đánh vào Tổng hành dinh Môlinaca (Sở chỉ huy của trung ương địch và là căn cứ của 3 sư đoàn bộ binh 320, 474, 519 của Pôn Pốt). Trong nội địa, Mặt trận 779 đã đánh 263 trận cấp đại đội, tiểu đoàn, phá hủy hàng trăm căn cứ lõm, bóc gỡ hàng nghìn tên địch ngầm tại các cơ sở (khum, phum của bạn).
Năm 1986, lực lượng Khơme Đỏ cơ bản đã bị tiêu diệt, lực lượng cách mạng và chính quyền bạn đủ mạnh để tự đảm đương được các công việc khôi phục, bảo vệ, hồi sinh đất nước. Các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam được rút dần về nước. Đồng chí Võ Minh Như đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7. Năm 1990, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh, là Ủy viên Thường vụ Hội. Nhiệm kỳ 1997-2002, đồng chí là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưởng thành từ chiến sĩ Vệ quốc đoàn, được Đảng và Quân đội đào tạo, bồi dưỡng, đồng chí Võ Minh Như không chỉ là một vị tướng chỉ huy, lãnh đạo đầy tinh thần cách mạng, thẳng thắn, dân chủ và kỷ luật mà còn là một người giàu tình cảm, gắn bó với đồng đội, đồng bào. Dù ở cương vị nào, chức trách nào, đồng chí đều tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ, vì lý tưởng cách mạng, vì sự bình yên của Tổ quốc. Đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hà Vi
Trích sách Chân dung tướng lĩnh Quân khu 7 (1945-2020), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2021