Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (bên phải) và con trai - Trung tướng Nguyễn Châu Thanh
Ngày 23-9-1945, núp sau bóng quân Anh, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Đáp lời kêu gọi chống thực dân Pháp của Ủy ban kháng chiến - hành chính Nam Bộ, thanh niên các địa phương (trong đó có đồng chí Út Thới) nhiệt tình hưởng ứng, lên đường nhập ngũ. Lực lượng Giải phóng quân liên quận ở Tây Ninh tổ chức triển khai đội hình, xây dựng các tuyến phòng thủ sẵn sàng chiến đấu. Tại Trảng Bàng, đồng chí Út Thới cùng hơn 100 chiến sĩ lập phòng tuyến Mặt trận Suối Sâu - chiến lũy địa đầu của tỉnh Tây Ninh, chặn đánh địch. Toàn đội chỉ có một khẩu súng Klip 12, còn lại là lựu đạn và những vũ khí thô sơ. Đồng chí Út Thới được cấp trên tin tưởng, giao cho trọng trách sử dụng khẩu súng này. Sáng ngày 8-11-1945, hàng trăm xe cơ giới của địch tiến đánh Tây Ninh. Vừa vào địa phận Trảng Bàng, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của Mặt trận Suối Sâu. Sau loạt đạn của đồng chí Út Thới, quân ta tung bộc phá, ném lựu đạn. Tuy nhiên do địch quá mạnh, đồng chí Út Thới và đồng đội phải rút về Rừng Rong xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng.
Toàn đội có 27 đồng chí, chia thành 4 nhóm, đồng chí Út Thới làm trưởng một nhóm. Các đồng chí họp bàn phương án tổ chức, đặt ra chương trình hành động cụ thể để phát triển lực lượng, tiến hành hoạt động chính trị kết hợp vũ trang, kháng chiến lâu dài. Được sự đùm bọc của nhân dân, đội đã tổ chức thành công nhiều cuộc cướp súng địch để trang bị cho ta. Để đẩy mạnh hoạt động vũ trang, 27 chiến sĩ Rừng Rong (trong đó có đồng chí Út Thới) tuyên bố thành lập tổ chức vũ trang lấy tên là “Hội thề Rừng Rong”. Sau đó, trước yêu cầu nhiệm vụ phải mở rộng địa bàn, đồng chí Út Thới cùng 18 đồng chí của “Hội thề Rừng Rong” gia nhập vào Chi đội 12, tham gia chiến đấu trên địa bàn Hóc Môn - Trảng Bàng. Tại Chi đội 12, đồng chí Út Thới đã nhận các trách nhiệm từ Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng đến Trung đội phó, Trung đội trưởng Đại đội 3 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1947).
Những năm từ 1949 đến 1952, đồng chí đảm nhiệm cương vị Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng Đại đội 2801 (sau là Đại đội 32 Hóc Môn). Năm 1953, đồng chí nhận nhiệm vụ Trưởng ban Tác chiến Liên Trung đoàn 306-312. Sau ngày miền Bắc được giải phóng (1954), đồng chí Nguyễn Thới Bưng tập kết ra miền Bắc, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Quân khu miền Đông (Sư đoàn 330). Những năm từ 1955 đến 1961, đồng chí chuyển về làm cán bộ Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu. Từ năm 1961 đến năm 1963, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tác chiến Lữ đoàn 338, sau đó quay trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu. Từ năm 1963 đến năm 1965, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó Trung đoàn 2 Miền.
Năm 1965, đồng chí nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 Miền (sau thuộc Sư đoàn bộ binh 5). Từ tháng 8 đến tháng 11-1966, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tham mưu phó Sư đoàn bộ binh 5.
Những năm từ 1966 đến 1973, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ từ Tham mưu trưởng, Tư lệnh phó đến Tư lệnh Sư đoàn 9. Với cương vị Tư lệnh Sư đoàn, đồng chí Nguyễn Thới Bưng cùng tập thể Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ huy đơn vị chiến đấu khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ; liên tục lập nhiều chiến công vang dội, khiến địch hết sức e ngại mỗi khi đối đầu với sư đoàn. Năm 1971, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân “Toàn thắng 1.71” bao vây tiến công Sư đoàn 9. Địch bao vây sư đoàn từ nhiều phía với quân số đông và được trang bị vũ khí mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Tư lệnh Sư đoàn Nguyễn Thới Bưng giao nhiệm vụ cho Tư lệnh phó Trương Văn Đàng trực tiếp chỉ huy đơn vị vệ binh sẵn sàng đánh địch bảo vệ Sở chỉ huy để Bộ Chỉ huy có thời gian bàn bạc, lên phương án tác chiến. Thực hiện theo kế hoạch, Trung đoàn 2 tập kích và đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 333 của quân ngụy tại sân bay Chúp, tướng ngụy Đỗ Cao Trí tử nạn, địch hoang mang, lo sợ, nhanh chóng rút lui. Cuộc bao vây Sư đoàn 9 của chúng thất bại.
Từ năm 1973 đến năm 1975, đồng chí Nguyễn Thới Bưng đảm nhiệm các chức vụ Trưởng phòng Tác chiến Bộ Tham mưu Miền, Trưởng phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đang là cán bộ trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu nay về công tác tại cơ quan cấp chiến dịch tổng hợp toàn bộ hoạt động tác chiến trên địa bàn B2, Trưởng phòng Nguyễn Thới Bưng cùng các đồng chí trong cơ quan đã ăn, ngủ tại hầm giao ban Sở chỉ huy, để tổng hợp tình hình một cách tỉ mỉ, nhanh chóng và chính xác nhất.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, từ tháng 6 đến tháng 10-1975, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Sài Gòn - Gia Định (tháng 7-1976 đổi tên là Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; ngày 5-5-1978, đổi tên là Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh; từ ngày 14-11-2011 đến nay đổi thành Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh). Từ tháng 11-1975 đến năm 1978, đồng chí được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Quân khu 7. Nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng khi đất nước mới giải phóng, còn muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng chí Nguyễn Thới Bưng cùng lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tham mưu Quân khu 7 tập trung củng cố biên chế, tổ chức và triển khai mọi mặt công tác. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Tham mưu trưởng Nguyễn Thới Bưng, Bộ Tham mưu Quân khu 7 đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo, chỉ huy truy quét tàn quân ngụy, lực lượng FULRO1 có hiệu quả; cùng lực lượng công an truy bắt nhiều nhóm phản động, chống đối, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tháng 2-1978, đồng chí được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu 7. Tháng 4-1979, đồng chí chuyển sang làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 9 và được thăng quân hàm Thiếu tướng (1983). Tháng 9-1985, đồng chí được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 1-1988, đồng chí chuyển về đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 7 và được thăng quân hàm Trung tướng (6-1988). Những năm từ 1989 đến 1992, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1992, đồng chí được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VI, VII; Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực phản động bằng nhiều hình thức ra sức chống phá Đảng và Nhà nước ta, trên cương vị Thứ trưởng, đồng chí cùng Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cũng trong thời gian này, đồng chí không ngừng học tập, nghiên cứu và bảo vệ thành công Tiến sĩ Khoa học quân sự.
Năm 1999, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tích cực tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, biên soạn nhiều đề tài lịch sử và tổng kết chiến tranh: Nam Kỳ khởi nghĩa, Đảng bộ miền Đông Nam Bộ (1945-1975), Nam Bộ kháng chiến, Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam... Ngày 22-1-2014, do tuổi cao, sức yếu, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng đã từ trần để lại niềm tiếc thương cho gia đình và đồng đội.
Hơn 50 năm tham gia hoạt động cách mạng, hết kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp bạn Campuchia, xây dựng và phát triển Quân đội, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng luôn là một cán bộ trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Trung tướng đã đi xa, nhưng các thế hệ sẽ mãi ghi nhớ hình ảnh người chiến sĩ Cộng sản kiên trung đã để lại cho hậu thế không chỉ một phần máu và mồ hôi trong cuộc chiến tranh vệ quốc, mà cả những công trình sử học ghi lại cuộc chiến tranh ấy. Với những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Thới Bưng được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; 5 Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 2 hạng Ba); 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Ăngco hạng Nhất (Nhà nước Campuchia tặng); Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.