(QK7 Online) - Ngày 29/4, tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Ban liên lạc truyền thống (LLTT) Trung đoàn 27 tại TPHCM và miền Đông Nam bộ tổ chức họp mặt kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và tri ân 49 năm má Huỳnh Thị Sáu (má Sáu Ngẫu) trao tấm bản đồ “Sự thật” giúp Trung đoàn 27 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trung tá Trần Đình Nhâm, Trưởng Ban LLTT Trung đoàn 27 tại TPHCM và miền Đông Nam Bộ chủ trì gặp mặt.
Bộ CHQS tỉnh Bình Dương tặng hoa chúc mừng buổi gặp mặt.
Lãnh đạo thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương tặng hoa chúc mừng Ban LLTT Trung đoàn 27 nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tham dự buổi gặp mặt có Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trương ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27; Thiếu tướng Thái Hồng Lĩnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công binh; thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Dương; lãnh đạo thành phố Thuận An cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 27 đang sinh sống tại TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Các đại biểu dành phút mặc niệm, tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Trước tượng đài má Sáu Ngẫu, các đại biểu đã đến dâng hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời tri ân công lao to lớn của má Sáu Ngẫu, người trao tấm bản đồ “Sự thật” cho Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 27, qua đó giúp đơn vị mở toang cánh cửa hướng đông bắc, tạo hành lang thông thoáng từ Lái Thiêu theo Quốc lộ 13 đánh, chiếm giữ cầu Vĩnh Bình và đưa lực lượng vào đánh chiếm mục tiêu chủ yếu, quan trọng ở Sài Gòn – Gia Định.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng bên phải) và các đại biểu dâng hương tri ân má Sáu Ngẫu.
Tiếp theo đó, các đại biểu cùng nhau ôn lại trang sử hào hùng, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt của quân dân ta với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 ôn lại những chiến công hào hùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trao đổi với các đại biểu ý nghĩa cây bồ đề mà ông đã trồng cách đây 17 năm.
Nhớ lại ký ức hào hùng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 xúc động: “Để thực hiện phương châm táo bạo, đánh nhanh, thọc sâu các mục tiêu được Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho Trung đoàn 27. Qua nắm bắt tình hình từ cán bộ địa phương tại địa điểm Búng, bắc ngã tư Hòa Lân, hồi 20 giờ ngày 29/4/1975, tôi và đồng chí Trịnh Văn Thư, Chính ủy Trung đoàn cùng cán bộ tác chiến và tổ trinh sát Trung đoàn đã bắt được liên lạc với gia đình bà Huỳnh Thị Sáu tại xã An Thạnh. Má Sáu rất mừng và lấy tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn đã cất giữ từ lâu trao cho chúng tôi. Dưới ngọn đèn dầu, tay Má chỉ tường tận đường đi, các chốt đóng quân, trận địa hỏa lực và cách bố phòng của địch mà Má đã đánh dấu trong những lần đi thâm nhập địa bàn. Nhờ tấm bản đồ chỉ dẫn của Má Sáu Ngẫu, sáng 30/4 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 theo Quốc lộ 13 lần lượt đánh chiếm Quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt cô lập bức hàng gần 2.000 tên địch tại trại lính Huỳnh Văn Lương và đánh chiếm cầu Vĩnh Bình. Theo thế tiến công đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp Ngụy, căn cứ Lục quân Công xưởng tại Gò Vấp, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa… sau đó cùng với các đơn vị bạn phát triển đánh chiếm các mục tiêu còn lại”.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Tượng đài má Sáu Ngẫu.
49 năm đã qua đi nhưng hình ảnh và chiến công của má Sáu Ngẫu vẫn luôn khắc ghi trong trái tim của mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 qua các thời kỳ. Để tưởng nhớ, tri ân những công lao của Má Sáu Ngẫu, Nhà nước đã trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất cho Má; Trung đoàn 27 xây dựng tượng đài và tổ chức gặp mặt kỷ niệm vào mỗi dịp tháng 4 lịch sử; nhiều cơ quan báo chí trong cả nước đã tổ chức làm phim, tuyên truyền, ghi nhận công lao của Má vì đã có nhiều thành tích “đặc biệt xuất sắc” trong thời điểm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng “cam go, ác liệt”.
Nguyễn Hoàng