Đại tá Nguyễn Thành Tâm, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận, sinh ra và lớn lên ở Khu Lê và suốt hơn 10 năm tham gia chiến đấu chống Mỹ ở vùng đất này, ông hiểu từ con người, rừng cây, động cát. Ông cho biết, toàn 1 vùng rộng lớn của Khu Lê là động cát, rừng cây gai Ô rô chằng chịt rất hiểm trở, nhờ vậy mà rất lợi thế cho bộ đội, du kích ẩn quân, chống càn, diệt địch lâu dài.
Khu Lê là vùng đồi cát nóng bỏng, vào mùa khô nguồn nước cạn kiệt. Thời chiến tranh, muốn có nước để uống và dùng trong sinh hoạt, quân dân Khu Lê có lúc phải đổi bằng máu. Phải đi hàng giờ leo dốc, cát lún ngập chân mới đưa về căn cứ được một gánh nước.
Ngày đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong một ngày chỉ được cấp nửa lít nước sinh hoạt. Ở nơi khô hạn này, khó tin rằng con người có thể sống trên đồi cát bên bờ biển, không có nước ngọt và 1 vùng sa mạc hoang hóa. Nhưng người dân Khu Lê không bao giờ khuất phục. Nhiều cuộc càn quét, bao vây của địch kéo dài nhiều năm, nhiều tháng. Bom đạn ngày nào cũng xối xả trút xuống cánh rừng Ô rô của Khu Lê. Nhưng địch đã bị đánh bật ra, nhiều xe tăng, máy bay và bộ binh địch bị loại khỏi vòng chiến. Ông Nguyễn Thành Tâm còn nhớ nhiều kỷ niệm vui, buồn cùng Khu Lê. “Giữa sa mạc cát mênh mông chỉ có những tán rừng Ô rô và cây xương rồng mới sống được. Chúng tôi không chỉ chiến đấu với bom đạn mà còn vơi kẻ thù dai dẳng và khắc nghiệt nhất vẫn là nguồn nước. Ngày trước, người dân nơi đây từng ví von bằng cụm từ “tắm lửa” “tắm nắng”, do không có nước nên muốn tắm họ cứ đốt lửa trùm khăn, hay trùm những tấm vải dù ngồi ngoài nắng cho vã mồ hôi rồi lau khô thế là tắm”.
Đất đai Khu Lê khô cằn, nhưng tấm lòng người dân ở mảnh đất này rất đậm đà tình nghĩa, kiên trung chí cốt với cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Khu Lê Hồng Phong nhanh chóng trở thành căn cứ địa kháng chiến vững chắc. Đến thời chống Mỹ, quân dân Khu Lê anh dũng, sáng tạo, cùng với Nhân dân Bình Thuận chiến đấu và chiến thắng, làm nên chiến tích “Khu Lê bất khuất, Tam Giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng, Đường Tám rực lửa chiến công”.
Khu Lê ngày nay vẫn là vùng đất được xem là khô hạn nhất Việt Nam, nằm cao hơn mặt biển chỉ vài chục đến 100m nhưng không đào được giếng, cộng thêm là độ bốc hơi nước do sức nóng từ các động cát trùng điệp gây ra. Không ở đâu mà sự chống chọi của con người với thiên nhiên lại nghiệt ngã như ở xứ này. Trước mặt là biển, mùa bấc gió mùa Đông Bắc về thổi cát tư biển vào, rẫy dưa, mì, đậu bị “cát bay - cát chảy - cát lấp”. Một vùng chỉ có gió và cát nên trên đường làng ngày ấy, cứ đi 5 bước tới thì phải mất 1 bước lùi. Mơ ước thường trực của dân làng là làm sao có được con đường đất cứng để đi cho thoải mái… dòng kí ức ấy với ước mơ bình dị, nhỏ nhoi như vậy sao ngày xưa thật khó thành hiện thực ở vùng quê nghèo khổ này.
Ngày nay, với sự chăm lo của Đảng bộ, chính quyền LLVT tỉnh Bình Thuận, vùng đất chiến khu năm xưa có nhiều thay đổi quan trọng, tạo ra những vận hội mới, mở đường đi lên, đánh thức những tiềm năng to lớn đang còn ẩn chứa.
Đã từ muôn đời nay, với người dân xứ cát Khu Lê, màu trắng nhức mat của cát và sự phóng túng của gió luôn là nỗi ám ảnh đồng nghĩa với khó nghèo cơ cực. Thế nhưng, từ năm 2015, cát đã cùng với người viết nên kỳ tích mới. Nước theo dòng kênh thủy lợi, lúc ngầm trong cát, khi trồi len trên, xẻ dọc những sa mạc cát chảy về đến từng thôn, xóm, rẫy, vườn của Nhân dân. Cát đã bừng xanh. Những dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao được khởi động và phát triển không ngờ trên vùng đất này mở ra một tương lai mới, đó là câu chuyện cổ tích có hậu được viết bằng những phận đời, phận người trên chang chang cát trắng...
Ông Võ Tiến Trung, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng cho biết: Giấc mơ tư bao đời nay của Nhân dân Khu Lê nay đã hiện hữu. Đường một chiều thênh thang qua những đụn cát, núi, đồi cằn khô. Các dự án du lịch được đầu tư hàng triệu USD. Nắng gió, từng là nỗi ám ảnh và bất lợi nay trở thành lơi thế trời cho Nhân dân Khu Lê. Hằng trăm dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió được đầu tư xây dựng, Khu Lê chiếm hơn 50% sản lượng điện mặt trời trong toàn tỉnh.
Trên hết, dòng thủy lợi như con rồng xanh khổng lồ thách thức đồi cao, sa mạc cát nóng đưa nước từ Thủy điện Đại Ninh, tận trên cao nguyên Lâm Đồng về tưới mát cho Khu Lê. Chỉ một vài năm nữa, Khu Lê là một vùng xanh, “năng lượng xanh”, “công nghiệp xanh”, những vườn cây trái xanh mát, sum xuê quả ngọt, sóng biển, trời xanh và dòng nước ngọt về tưới mát cho một vùng mênh mông cát. Người dân ở vùng chiến khu hợp lực cùng nhau đánh thức tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế của quê hương, làm nên mùa xuân mới trên Khu Lê anh hùng.