Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu, từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của Nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Nếu như ở bản Tuyên ngôn Độc lập viết tại số nhà 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, thì tại ngôi nhà ông Nguyễn Văn Du ở Vạn Phúc, Người đã khẳng định lại một lần nữa tư tưởng ấy bằng hành động cụ thể của cả dân tộc trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và Người cũng khẳng định lực lượng tham gia cuộc chiến đấu giành độc lập, hòa bình cho đất nước là “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Khát vọng hòa bình được thể hiện rõ ngay ở câu đầu tiên trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta muốn hòa bình”. Một lời kêu gọi cả dân tộc thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy máu lửa, nước mắt và hy sinh. Một cuộc kháng chiến trường kỳ lại bắt đầu bằng niềm mong ước hòa bình: “Chúng ta muốn hòa bình” nên phải tiến hành chiến tranh. Cái nghịch lý ấy, nghịch lý giữa mong muốn hòa bình mà phải bước vào chiến tranh tưởng chừng như không thể tồn tại được bên nhau, lại tồn tại giữa cảnh “đại bác vang trời, đầu rơi, máu đổ” ngay từ những giờ phút đầu tiên của một cuộc chiến ba ngàn ngày không nghỉ. Đó là một sự thực - một nền hòa bình đã được Đảng, Chính phủ, Hồ Chí Minh và toàn dân ta cố gắng tìm kiếm, gìn giữ ngay từ những ngày đầu giành, giữ chính quyền, cho đến khi buộc phải lao vào một cuộc chiến tranh không mong muốn.
Sau 9 năm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát ra, Nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng, cùng nhau làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Và sau đó, cũng tinh thần ấy, khí phách ấy, trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa niềm tin vững chắc vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc, rằng sau ngày toàn thắng, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Bác, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử mới, rực rỡ của dân tộc: Cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng và lao động sáng tạo, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội VI, với thái độ và tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, khẳng định quyết tâm và niềm tin mãnh liệt thực hiện thắng lợi khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được qua 35 năm đổi mới là minh chứng sinh động khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự cần thiết phải kiên định, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn dân tộc và xu thế thời đại, kế thừa tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại, như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu làm và mong muốn.
Tiếp nối mạch nguồn “khát vọng hòa bình” của dân tộc Việt Nam trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Đại hội XIII của Đảng đánh dấu cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới. Khát vọng thịnh vượng đã được khơi dậy, truyền cảm hứng và như một lời hiệu triệu với non sông, với đất nước, với một trăm triệu người dân Việt Nam mà ở đó mục tiêu rõ nhất là làm cho người dân được hạnh phúc. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thể hiện sự kế thừa truyền thống lịch sử dân tộc, giá trị thời đại, đó là khát vọng thiêng liêng, sự hòa hợp giữa ý Đảng với lòng dân.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mang sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp trên một cơ sở khoa học cụ thể. Kế thừa, hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những đại hội Đảng trước đây, mục tiêu và định hướng phát triển mà Đại hội XIII đã đề ra cho thấy một quyết tâm hành động, một ý chí vươn lên mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả dân tộc Việt Nam. Mốc phát triển đến năm 2025 trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp” đòi hỏi tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm phải đạt khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người năm 2025 phải đạt khoảng 4.700-5.000 USD. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều đó cho thấy quyết tâm lớn phải đi kèm với nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và tinh thần năng động, sáng tạo, đột phá để phát triển, nhất là trong bối cảnh còn nhiều biến động của tình hình khu vực và thế giới, kinh tế lâm vào khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng khó lường từ các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu... đặt ra những khó khăn, thách thức rất mới, tác động trực tiếp đến môi trường phát triển của Việt Nam.
Thực tế qua 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn về tất cả các mặt kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, bảo vệ môi trường,... rất đáng tự hào. Cơ hội, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta ngày càng được nâng cao, củng cố. Phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế được Nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ. Tất cả những điều đó cho thấy đường lối đổi mới toàn diện của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Đường lối đổi mới đó cũng là sự thể hiện sinh động cho việc hiện thực hóa có hiệu quả khát vọng, ý chí phát triển của dân tộc trong tình hình mới. Những thành tựu này đồng thời củng cố niềm tin, sự quyết tâm của chúng ta, khẳng định sự đúng đắn của việc lựa chọn con đường gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn này hoàn toàn phù hợp quy luật khách quan, với thực tiễn đất nước, đúng xu hướng phát triển của thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Khát vọng của Người trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” cũng chính là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, làm tiền đề căn bản hướng “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” như Đại hội XIII của Đảng xác định.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Duy
Giảng viên Học viện Lục quân