Đã 46 mùa xuân đi qua mà kỷ niệm và nỗi nhớ như mới ngày nào, nỗi nhớ day dứt đi vào trong tim tôi cho đến hôm nay. Đó là mùa Xuân năm 1971, sau cuộc đảo chính ở đất Chùa Tháp Campuchia mà Lon Nol lật đổ Quốc trưởng Nô Rô Đôm Xi - ha - núc. Tiếp đó là quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn ào ạt đổ quân vào Campuchia để hỗ trợ cho Lon Nol xóa bỏ chế độ phong kiến trung lập tạo một chính phủ thân Mỹ để làm bàn đạp trực tiếp chống phá cách mạng cả 3 nước Đông Dương, thực tế là đánh phá các căn cứ quân sự của quân giải phóng dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn Quân khu 8 từ huyện Đức Huệ tỉnh Long An cho tới huyện Cao Lãnh của tỉnh Kiến Phong - Đồng Tháp ngày nay.
Sau thời gian điều trị, vết thương của tôi đã hồi phục. Vào buổi chiều ngày 16/7/1971, em đến và nói với tôi: “Ngày mai em qua biên giới để gặp má, định rủ anh đi nhưng vì anh là thương binh nên thôi. Gặp má em sẽ nói về anh”.
Sau đó, chuyến gặp má không gặp được, má bị địch bắt tạm giam vì xuồng của má có chở thuốc tây, cá khô, mì tôm rất nhiều. Nghe kể lại, địch nói má đi tiếp tế cho Việt Cộng ở biên giới, sau một tháng má được trả tự do. Chiều ngày 19/7/1971, em về gặp tôi. Trên tay em ôm một bó hoa sen trắng đến tặng tôi và nói: “Ngày mai sinh nhật của anh. Hôm gặp được má thì có quà rồi, nay không có chỉ tặng anh bó hoa sen quê em mừng ngày sinh nhật”. Tôi rất xúc động và rơi nước mắt.
Mùa xuân ngày 5/2/1972, tôi có lệnh dẫn Tiểu đoàn 510 về nước chiến đấu, tôi đến gặp em để chia tay và tặng em một bộ quần áo bà ba đen. Em nói ngay: “Viện này cũng có một bộ phận tăng cường cho bệnh xá vùng 4 Kiến Tường khoảng 7 ngày nữa thì đoàn mới đi, anh đi trước thế nào anh em cũng gặp nhau”.
Ngày 20/3/1972, đơn vị tôi đã đóng quân ở Kênh Ngang - bắc kênh Dương Văn Dương và chiến đấu ngay. Đến đầu tháng 4 năm 1972, đơn vị rút về kênh 3 Gò Tháp để củng cố rút kinh nghiệm. Tôi có đến quân y của tỉnh để tìm em nhưng được chị Bảy Huệ trả lời: “Có tên trong danh sách quân y Quân khu tăng cường, nhưng khi vượt qua kênh Cái Bát, bị địch phục kích, em đã hy sinh”. Tôi hỏi về phần mộ của em nhưng không ai biết. Mãi đến khi đất nước thống nhất, ngày 30/4/1975 tôi có có ý định về quê tìm kiếm gia đình của em xem phần mộ ở đâu. Nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam lại nổ ra, tôi lại tiếp tục đi chiến đấu cho đến tháng 3/1979 tôi lại điều ra miền Bắc làm Trung đoàn trưởng, bảo vệ biên giới phía Bắc.
Đến cuối năm 1988, tôi lặn lội về xã Bình Hòa Nam tìm gia đình em, nhưng địa phương nói “không biết”. Tôi lại đi tìm người bạn cũ để hỏi thăm em, thì được biết, sau khi má ra tù thì cả nhà chuyển về Đức Hòa, chỗ ở không rõ, chỉ biết gia đình em hiện còn một người chị gái có chồng ở Bến Tre và đổi tên chưa tìm được. Tôi hỏi về phần mộ của Lan (Cách) thì được biết lúc hy sinh đã an táng gần gò Mang Đa. Tôi đến gò Mang Đa, thì thấy số mộ tập thể đã cải táng về Nghĩa trang Mộc Hóa. Tôi đến Nghĩa trang Mộc Hóa và gặp vợ chồng chị Loan quản trang ở đây, được biết 7 phần mộ an táng ở Lô A đều là vô danh. Chị Loan nói: “Ba ngôi mộ ở đầu là nữ vì khi cải táng còn “tóc dài”, nên xác định là nữ!”. Tôi trở về xã Tân Minh, Tân Thạnh một ngày và nhờ người mua giúp được 50 bông hoa sen trắng, tôi chia ra thành 3 bó trịnh trọng đặt lên 3 ngôi mộ, có mộ của em Huỳnh Thị Lan. Thường năm, cứ mỗi dịp chuẩn bị đón Xuân tôi lại đến Nghĩa trang Mộc Hóa đốt nhang cho đồng đội eBB88, trong số hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ ở đây phần lớn đều là vô danh. Em Lan cũng như bao đồng đội nằm yên nghỉ vĩnh hằng giữa mùa Xuân của dân tộc và trong lòng đất Mẹ - Long An trung dũng kiên cường.
Những nén nhang thơm hòa trong sương khói, quyện giữa đất trời đang tiết sang Xuân. Những đóa sen trắng thắm tươi, những đóa sen hồng thơm ngát lung linh đang mỉm cười trước gió, như bao gương mặt rạng ngời của các anh, các chị đã thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho quê hương, Tổ quốc vững bền.
Nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7