Cánh đồng bạt ngàn không còn chút gì dấu tích của trận địa xưa, những phum sóc Khmer xa xa ẩn mình dưới rặng cây Thốt Nốt... đâu là cứ Ba Lô của đơn vị? Đâu là căn nhà sàn bỏ hoang, nơi tôi đã tuyên thệ dưới lá cờ búa liềm trong buổi lễ kết nạp Đảng trước ngày vào trận đánh? Đâu là nơi chúng tôi đã chôn cất những đồng đội hy sinh về với cát bụi trong tấm tăng và cánh võng...? Tất cả chỉ còn trong ký ức mà thôi... Chúng tôi cùng thắp 3 nén nhang cắm trên mặt ruộng rồi khấn vọng những linh hồn đồng đội còn ẩn hiện đâu đó...
Trên nền chi khu Long Khốt xưa, nay là Đồn Biên phòng Long Khốt, cách cổng đồn biên phòng không xa là Đài liệt sĩ do Bộ đội Biên phòng và nhân dân ở đây xây dựng. Danh sách liệt sĩ được khắc trên bia đá, chủ yếu là anh em bộ đội Biên phòng Long Khốt đã hy sinh trong 43 ngày đêm bám trụ bảo vệ đồn trong chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978. Phía sau Đài liệt sĩ là Đền liệt sĩ Long Khốt. Ngôi đền nhỏ với hai bức tường hông treo kín danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 174 đã hy sinh, tất cả được in trên giấy trắng và lồng khung kính treo lên tường.
Đọc tìm những đồng đội cùng đơn vị đã hy sinh trong trận đánh Long Khốt năm 1974, tôi mới nhận ra rằng danh sách hiện chỉ có tên những liệt sĩ hy sinh trong trận đánh 1972, trận đánh đó Trung đoàn 174 đã không dứt điểm được chi khu Long Khốt, chiến sĩ ta “phơi áo” hàng rào... Món nợ máu đó mãi đến ngày 28/4/1974 chúng tôi mới trả được. Phải làm sao có đầy đủ tên các liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất biên giới này, không được phép lãng quên một ai!
Trở về thành phố, chúng tôi vào Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 7 để mượn những cuốn sổ chép tay danh sách liệt sĩ hy sinh trước năm 1975, trong đó chúng tôi tìm thấy những liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Long Khốt những năm 74, 75.
Danh sách tạm thống kê được 601 liệt sĩ của Trung đoàn 174 hy sinh trong các trận đánh từ năm 1972 đến 1975 trên chiến trường Long Khốt, chưa kể liệt sĩ của các đơn vị phối thuộc và bộ đội địa phương.
Có danh sách liệt sĩ rồi chúng tôi nghĩ tên tuổi, quê quán của các anh phải được khắc vào bia đá để lưu danh muôn đời. Chúng tôi cùng các đồng chí trong Ban liên lạc Trung đoàn 174 bàn nhau, vận động các mạnh thường quân và cùng đóng góp để nâng cấp Đền liệt sĩ Long Khốt, xứng đáng là nơi thờ cúng hơn 1.000 liệt sĩ.
Không thể nói suông với liệt sĩ, chúng tôi đã liên hệ với cơ sở đúc chuông Đại Hạnh gần núi Ông Trịnh (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để đúc quả chuông nặng 150kg cho Đền liệt sĩ Long Khốt. Trên thân chuông có khắc 4 câu thơ của Đại tá Trần Thế Tuyển.
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia
Ngàn năm mãi mãi ngân nga
Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng người...”
Đúng như tâm nguyện của chúng tôi, “Tiếng chuông Long Khốt “ mỗi sớm chiều vang lên làm ấm cả một vùng biên giới; là tiếng lòng của chúng tôi gửi đến linh hồn đồng đội - những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc .