
Hiện nay, xe máy trong thực lực trang bị quốc phòng của Quân khu rất đa dạng về chủng loại, phần lớn được sản xuất từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tính năng chiến, kỹ thuật lạc hậu, thiếu đồng bộ, dễ hư hỏng xuống cấp, độ tin cậy không cao. Trong thời gian tới, việc đổi mới vũ khí, trang bị kỹ thuật trong Quân đội sẽ là một xu hướng tất yếu trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ; trang thiết bị và phương tiện xe máy ngày càng hiện đại; công tác quản lý, sử dụng cũng như công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa ngày càng tiên tiến. Trong điều kiện như vậy, chỉ có những cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ năng lực tốt, được đào tạo bài bản, thường xuyên được huấn luyện, bổ túc, bồi dưỡng, có bề dày kinh nghiệm qua thực tiễn công tác mới đủ năng lực làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị về công tác Ngành xe máy cũng như quản lý, sử dụng, khai thác phương tiện xe máy, trang bị kỹ thuật đúng mục đích, có hiệu quả, bảo đảm an toàn, tiết kiệm.
Trong 3 năm qua (2015-2018), công tác huấn luyện kỹ thuật xe máy luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, của Thường vụ Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Cục Kỹ thuật cũng như của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngành xe máy luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác huấn luyện kỹ thuật, coi huấn luyện là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm hết sức quan trọng. Hằng năm, cơ quan xe máy các cấp đã bám sát Chỉ lệnh Công tác kỹ thuật, Mệnh lệnh huấn luyện của Quân khu, các văn bản hướng dẫn về công tác huấn luyện của ngành nghiệp vụ cấp trên để tham mưu cho các cấp ủy, chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện kỹ thuật xe máy. Trong tổ chức thực hiện, trên cơ sở vận dụng 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp, chú trọng bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện lý thuyết với thực hành, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm SSCĐ; công tác huấn luyện kỹ thuật ngành được triển khai đồng bộ từ đào tạo, tập huấn, bổ túc, huấn luyện thường xuyên tại đơn vị đến việc tổ chức (hoặc tham dự) các đợt tập huấn chuyên ngành, các hội thi, hội thao, các cuộc luyện tập, diễn tập do Bộ Quân khu, Quân khu, đơn vị, địa phương tổ chức.
Một số kết quả huấn luyện đã đạt được trong 3 năm qua như sau: Đào tạo cao học 1 người, đại học 11 người, chỉ huy tham mưu kỹ thuật (ngắn hạn) 5 người, đào tạo 185 lái xe mới, nâng hạng giấy phép lái xe ôtô quân sự 173 người; tập huấn bổ túc lái xe mới, lái xe tác chiến, lái xe phục vụ chỉ huy 707 lượt người; kết hợp sửa chữa, đồng bộ, cải tiến điêzen hóa xe ôtô quân sự để bồi dưỡng tay nghề cho 108 lượt thợ sửa chữa, lái xe tại các đơn vị; bồi dưỡng, thi nâng bậc thợ kỹ thuật 335 người; huấn luyện thường xuyên cho 349 lượt cán bộ, 4.140 lượt lái xe, thợ sửa chữa, nhân viên kỹ thuật và 16.442 lượt các đối tượng khác.
Về hội thi, hội thao, đã hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức các hội thi xe tốt, lái xe an toàn, thợ sửa chữa giỏi cấp cơ sở; tổ chức Hội thi thợ sửa chữa ôtô giỏi cấp Quân khu năm 2018; tham dự Hội thi Trưởng phòng xe máy giỏi, lái xe an toàn toàn quân năm 2015 đạt giải nhì và Hội thi thợ sửa chữa ôtô giỏi toàn quân năm 2018 đạt giải ba.
Về luyện tập, diễn tập, đã tham gia 1 cuộc diễn tập do Bộ chủ trì, 8 cuộc diễn tập chiến dịch và nhiều đợt luyện tập theo các phương án tác chiến do Quân khu tổ chức đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, Quân khu cũng đã tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa những dòng xe ôtô thế hệ mới có trong thực lực trang bị do các chuyên gia kỹ thuật của Công ty Cổ phần TOYOTA Đông Sài Gòn, Tổng Công ty cổ phần KAMAZ (Liên bang Nga) trực tiếp giảng dạy, huấn luyện.
Những kết quả khả quan trên đã góp phần từng bước được nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ ngành cũng như trình độ tay nghề của lực lượng lái, thợ, nhân viên kỹ thuật xe máy; bảo đảm cho lực lượng kỹ thuật xe máy của Quân khu đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần tích cực trong xây dựng đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân khu về công tác huấn luyện; trọng tâm là Nghị quyết số 765 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 1309 của Đảng ủy Quân khu về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”.
Để thực hiện tốt công tác huấn luyện kỹ thuật xe máy trong lực lượng vũ trang Quân khu thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là tăng cường sự lãnh đạo, điều hành thống nhất, đồng bộ của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện kỹ thuật xe máy. Xây dựng đội ngũ cán bộ xe máy làm nòng cốt trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức huấn luyện. Làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện, xây dựng kế hoạch huấn luyện sát thực, khả thi, khoa học, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, tăng cường tổ chức hội thi, hội thao kỹ thuật ngành. Tăng cường công tác kiểm tra và thực hiện nghiêm chế độ sơ kết, tổng kết huấn luyện…
Huấn luyện kỹ thuật xe máy có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngành; nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, hiệu quả quản lý, sử dụng trang thiết bị, phương tiện xe máy; đồng thời góp phần xây dựng nền nếp chính quy và trình độ SSCĐ của các đơn vị, địa phương.
Xuân mới, với khí thế mới, quyết tâm mới, phát huy những thành tích đã đạt được, công tác huấn luyện kỹ thuật xe máy nhất định sẽ đạt được những bước tiến, đột phá mới; góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng SSCĐ, xây dựng ngành Kỹ thuật Quân khu ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.