Làm thế nào để tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công lao động, giảm các yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong trồng mì, nhóm tác giả gồm 4 đồng chí: Thượng tá Trần Minh Thái - Chủ nhiệm Kho K6, Đại úy Lê Thanh Tuấn - Trưởng ban Kế hoạch kỹ thuật Kho K6, Thiếu tá CN Đào Trọng Tĩnh, Thiếu tá CN Vũ Anh Toàn - Thợ sửa chữa, Trạm Bảo dưỡng sửa chữa, Kho K6 đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Thiết bị cày xẻ rãnh trồng mì”.

Trước đó, khi đồng chí Trần Minh Thái đưa ra ý tưởng với giải pháp sáng kiến là giảm công sức của bộ đội, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí trong các vụ mùa đã được anh em trong đơn vị tán thành hưởng ứng. Tận dụng lợi thế chuyên môn của từng người, Đại úy Lê Thanh Tuấn - Trưởng ban Kế hoạch kỹ thuật Kho K6 là người đưa ý tưởng của đồng chí Thái vào thiết kế. Sau đó, đồng chí Tĩnh và đồng chí Toàn là những người thợ có nhiệm vụ từ bản thiết kế thực hiện cắt, ghép, hàn để tạo nên thiết bị hoàn chỉnh.
Đại úy Lê Thanh Tuấn - Trưởng ban Kế hoạch kỹ thuật Kho K6 đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Thiết bị có ưu thế là chế tạo đơn giản, vật liệu phổ biến trên thị trường. Ngoài ra có thể tận dụng vật liệu sẵn có tại đơn vị như sắt, thép, máy hàn để làm. Sản phẩm có độ bền cao, thay thế nhanh và đơn giản, thao tác sử dụng nhanh chóng.
Từ khi sáng kiến “Thiết bị cày xẻ rãnh trồng mì” ra đời được áp dụng ở đơn vị đã giúp tiết kiệm được sức người, sức của mà hiệu quả năng suất công việc lại tăng lên gấp nhiều lần. Từ đây, khi muốn xẻ rãnh trồng mì chỉ cần gắn thiết bị lên máy cày, sau đó điều chỉnh độ nông sâu của rãnh cày bằng cách điều chỉnh độ lên xuống của tăng đưa máy cày; điều chỉnh độ rộng hẹp của rãnh cày bằng cách điều chỉnh bộ phận xẻ rãnh di động của thiết bị.

Thượng tá Nguyễn Đức Trường, Chính trị viên Kho K6 cho biết: Hiệu quả khả thi của thiết bị đã rút ngắn thời gian xẻ rãnh trồng mì từ 4 giờ xuống chỉ còn dưới 45 phút. Từ đây bộ đội không phải dùng cuốc đào hố trồng mì như trước kia. Như vậy, sáng kiến “Thiết bị cày xẻ rãnh trồng mì” đã tiết kiệm được nhân công, thời gian mà năng suất công việc tăng tới 400%.
Với giá thành sản xuất rẻ, có thể tận dụng được vật liệu để sản xuất, công nghệ chế tạo đơn giản, thao tác sử dụng tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng. Đảm bảo an toàn, tiết kiệm công sức, thời gian. Bộ phận giá gắn có thể điều chỉnh được nên phù hợp với nhiều loại địa hình, dễ dàng áp dụng trong việc tăng gia sản xuất ở nhiều đơn vị. Trong thời gian tới, nhóm tác giả trên mong muốn tiếp tục nghiên cứu thêm sáng kiến “Thiết bị cào cỏ rác” phục vụ công tác tăng gia sản xuất của đơn vị.