Quân khu 7 có địa hình hình hỗn hợp, kéo dài từ Bình Thuận đến Long An với hai huyện đảo là Côn Đảo và Phú Quý, biên giới giáp với Campuchia có chiều dài 615,527 km...
Với tiềm lực và thế trận phòng thủ chiến lược đặt ra về mặt quốc phòng đối với LLVT Quân khu, đòi hỏi nhất thiết phải xây dựng địa bàn phòng thủ trên một hướng chiến lược cả nước để đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ Tổ quốc trước tình hình mới. Trong đó xây dựng tiềm lực về mạng lưới Hậu cần địa phương là rất cần thiết, nhằm bảo đảm nhu cầu vật chất Hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” đáp ứng kịp thời cho các lực lượng tham gia tác chiến, xử lý tình huống xảy ra trên địa bàn nhanh và hiệu quả nhất.
Xây dựng Khu vực phòng thủ (KVPT) nói chung, mạng lưới Hậu cần KVPT nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước và Quân đội đặc biệt quan tâm. Cách đây hơn 30 năm, ngày 30/7/1987, Bộ Chính trị (khóa VI) ban hành Nghị quyết số 02; Chỉ thị số 20, quán triệt lãnh đạo... “Tích cực chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố ngay trong thời bình...”. Ngày 11/3/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Chỉ thị 56 về việc xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc. Ngày 02/7/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tiếp tục ban hành Chỉ thị 245 về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc.
Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện chỉ thị thiếu toàn diện và về từng mặt còn có nhiều yếu kém; xây dựng tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc nói chung chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ở một số nơi chính quyền, đoàn thể yếu kém, chậm được củng cố; đặc biệt là sự phối hợp của các ngành liên quan còn thiếu đồng bộ, thiếu quy chế rõ ràng. Các Bộ, Ngành Trung ương chưa có kế hoạch hướng dẫn cấp dưới ở địa phương và cơ sở thực hiện nhiệm vụ đã được xác định trong chỉ thị để có hành động phối hợp đồng bộ, thiết thực.
Ngày 01/01/2006, Luật Quốc phòng có hiệu lực; Chính phủ ban hành Nghị định 152/2007 ngày 10/10/2007 về Xây dựng KVPT; ngày 22/9/2008, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết 28, tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc; Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu; Tỉnh ủy - UBND các tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết, Kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ trên các mặt. Đối với xây dựng Hậu cần KVPT được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức đẩy nhanh các dự án đầu tư với vai trò tham mưu tích cực của Chỉ huy quân sự địa phương, cơ quan hậu cần tỉnh, huyện và hướng dẫn chu đáo của cơ quan Cục Hậu cần Quân khu.
Ngày 5/1/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 152/2007; ngày 30/6/2016 liên Bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư ban hành Thông tư liên tịch số 104 hướng dẫn thực hiện Nghị định 152, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các địa phương tổ chức xây dựng Hậu cần KVPT đi vào chiều sâu.
Thực hiện Nghị quyết lãnh đạo và Kế hoạch công tác Hậu cần của LLVT Quân khu định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Để bảo đảm hậu cần kịp thời cho các đơn vị, địa phương tham gia tác chiến phòng thủ trên các hướng chiến dịch và xử lý các tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra. Quân khu quy hoạch 1 phân căn cứ hậu cần cơ bản và 2 phân căn cứ, với tổng diện tích là 2.600 ha.
Đến nay, các tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương trong toàn Quân khu đã quy hoạch đầu tư xây dựng được 31 căn cứ HC-KT, với diện tích 15.123 ha (có 1.770,5 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); ngân sách địa phương đầu tư qua các năm hơn 391 tỷ đồng (năm 2017 là 11,5 tỷ); công tác tăng gia sản xuất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các căn cứ từng bước hình thành. Tất cả các tỉnh, thành phố được thành lập Hội đồng cung cấp Khu vực phòng thủ đúng theo Thông tư liên tịch 104 và duy trì hoạt động thường xuyên theo quy chế, phát huy rõ nét trong vận hành bộ máy chính quyền địa phương trong lĩnh vực xây dựng mạng lưới hậu cần KVPT vững chắc.
Hiện nay, Ban CHQS 109 huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu đã và đang khẩn trương lập dự án quy hoạch căn cứ HC-KT theo Nghị quyết HĐND địa phương; đã có 71 dự án được phê duyệt với diện tích 17.383,1 ha, trong có có 11 dự án được triển khai với kinh phí 94,815 tỷ đồng; hiệu quả nổi bật là căn cứ HC-KT huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (Đơn vị xây dựng điểm Quân khu). Các huyện, quận, thị xã còn lại, một số đang lập dự án và một số đang trình thẩm định phê duyệt.
Về nội dung văn kiện, nhìn chung 8 tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh từng bước tiến hành xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn kiện hậu cần theo trình tự quy phạm pháp luật như: Quyết định thành lập Hội đồng cung cấp KVPT tỉnh (thành phố); quận (huyện), ban hành quy chế hoạt động; tham mưu với Hội đồng Nhân dân cùng cấp đưa vào Nghị quyết hoạt động hàng năm; xây dựng các Đề án quy hoạch mạng lưới hậu cần liên hoàn, rộng khắp, đủ sức bảo đảm cho các lực lượng tham gia tác chiến, hoạt động trên địa bàn khi có tình huống khẩn cấp...
Qua kết quả khảo sát từ năm 2012, Bộ Quốc phòng chọn căn cứ HC-KT tỉnh Bình Dương xây dựng điển hình. Qua hơn 5 năm lập và triển khai dự án đầu tư tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với tinh thần tích cực, khẩn trương tham mưu của cơ quan Bộ CHQS tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương; Sở Ban, Ngành của tỉnh trong giai đoạn đầu đạt được một số kết quả như sau: Tiến độ thực hiện toàn dự án: Từ năm 2012 đến năm 2020 tổng diện tích quy hoạch 552,4 ha. Từ năm 2012 đến 2015: Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 139,21 tỷ đồng (nhà ở sinh hoạt, làm việc, hàng rào; điện, nước; đường giao thông...). Vốn tăng gia sản xuất, chăn nuôi 16,88 tỷ đồng. Tổng cộng 156,09 tỷ đồng. Đánh giá tiền khả thi của dự án với kết quả đầu tư xây dựng đạt được trong thời gian qua là hoàn thành tốt các hạn mức kế hoạch. Định hướng từ năm 2018 trở đi, tranh thủ sự giúp đỡ của địa phương, phát huy vai trò tham mưu tích cực hơn nữa, với quyết tâm của Bộ CHQS tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thành dự án sớm hơn kế hoạch đề ra.
Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng được Quân khu chọn thực hiện dự án xây dựng căn cứ HC-KT mô hình điểm cấp huyện. Ngay từ năm 2016, khi dự án được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt với đủ thủ tục pháp lý. Chủ đầu tư đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai thực hiện, kết quả đạt được như sau: Tiến độ thực hiện toàn dự án: Từ năm 2016 đến năm 2020; tổng diện tích quy hoạch 146,4 ha; đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 6,5 ha; khái toán tổng đầu tư bước đầu của 6,5 ha là hơn 11 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến 2017: Đã thực hiện đầu tư giai đoạn đầu 6 tỷ đồng. Trong đó nhà ở sinh hoạt, làm việc, hàng rào; điện, nước; đường giao thông... 5,1 tỷ đồng…Như vậy kết quả so với với tiền khả thi của dự án đạt được trong thời gian qua là 54,5%. Định hướng từ năm 2018 trở đi, với quyết tâm của chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành dự án sớm hơn thời gian.
Để chuẩn bị cho sơ kết 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hính mới, Tổng Cục Hậu cần có Kế hoạch số 160/KH-HC, ngày 03/02/2018 và tổ chức Đoàn khảo sát lấy Quân khu 7 làm điểm để tổ chức hội nghị tổng kết toàn quân và tham quan mô hình điểm ở một số đơn vị, địa phương.
Qua đó Cục Hậu cần Quân khu đề xuất, kiến nghị tỉnh Bình Dương xây dựng mô hình điểm của Bộ Quốc phòng, quá trình triển khai xây dựng, hoạt động đã phát huy hiệu quả; đề nghị tiếp tục đầu tư chiều sâu, thực chất, hoàn chỉnh, đi vào hoạt động để rút kinh nghiệm trong toàn quân; huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng được triển khai hoạt động với hạ tầng, kỹ thuật, hồ sơ pháp lý đầy đủ, vị trí địa lý thuận lợi và là đơn vị xây dựng mô hình điểm của Quân khu. Để phát huy hiệu quả cao hơn, đề nghị tiếp tục chọn căn cứ HC - KT huyện Lạc Dương để đầu tư chiều sâu. Đồng thời sau sơ kết, đề nghị Quân khu chọn thêm 2 đơn vị xây dựng căn cứ HC - KT làm mô hình điểm tiếp theo là huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh (biên giới) và huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (hướng biển) để đầu tư, xây dựng điểm.
Kiến nghị Tổng Cục Hậu cần đầu tư kinh phí xây dựng khu vực 10 ha TGSX công nghệ cao tại Sư đoàn 5; quan tâm chỉ đạo cơ quan hướng dẫn mô hình mẫu và đầu tư một phần ngân sách để Quân khu bảo đảm cho Bộ CHQS các tỉnh, Bộ Tư lệnh thành phố triển khai xây dựng nhanh các dự án căn cứ HC-KT trong KVPT Quân khu. Chỉ đạo soạn thảo, ban hành thống nhất bộ văn kiện mẫu theo chuẩn “Quy phạm pháp luật” nhằm bảo đảm về pháp lý Hậu cần KVPT để triển khai trong toàn quân thực hiện. Cấp ủy, chính quyền địa phương đôn đốc triển khai hướng dẫn cho các Sở, Ngành của tỉnh và Phòng, Ban huyện tạo điều kiện giúp cơ quan quân sự địa phương các thủ tục pháp lý, hoàn chỉnh quy hoạch và đầu tư kinh phí để triển khai dự án đi vào hoạt động đạt hiệu quả thiết thực; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.