Ngành Hậu cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ vững mạnh. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ trên 80 tỷ đồng để thực hiện công tác xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ. Hiện 12/12 huyện, thành phố quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng căn cứ hậu cần cấp huyện, thành phố. Riêng căn cứ hậu cần, kỹ thuật của Ban CHQS huyện Lạc Dương được xây dựng làm điểm cho Quân khu.
Đối với công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên, ngành Hậu cần bảo đảm chế độ ăn cho cán bộ, chiến sĩ đúng, đủ tiêu chuẩn định lượng theo quy định của Bộ Quốc phòng. Các suất ăn cho đối tượng là công dân cách ly được đảm bảo. Các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến, tiết kiệm, tự túc chất đốt… Cụ thể, đối với công tác tăng gia sản xuất, các đơn vị chủ động lập kế hoạch, đặt ra chỉ tiêu và xác định biện pháp thực hiện sát với tình hình đơn vị. Theo đó, vật nuôi, cây trồng được phát triển đa dạng, phù hợp. Các mô hình nhà kính trồng rau được phát triển ở nhiều đơn vị. Nhờ vậy, ngoài đảm bảo quân nhu, bảo đảm đời sống cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, nguồn thu từ tăng gia sản xuất và làm kinh tế trong toàn tỉnh đạt 12,9 tỷ đồng, bình quân 13,98 triệu đồng/người. Các đơn vị trong LLVT áp dụng nhiều hình thức và biện pháp tiết kiệm chất đốt, một số đơn vị tận dụng củi khô, vỏ cà phê, tự túc được chất đốt và nhập sản phẩm tăng gia sản xuất giá rẻ hơn 15 - 20% so với giá thị trường.
Đối với công tác quân y, ngoài việc thành lập 2 tổ quân y cơ động phòng, chống dịch, 1 tổ truy vết, 2 tổ lấy mẫu xét nghiệm và 1 tổ tiêm vaccine, hồi sức cấp cứu trong LLVT, ngành Hậu cần còn hướng dẫn để đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch ở các đơn vị. Thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, ngành Hậu cần đảm bảo việc phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Từ đầu dịch đến nay, tại các điểm cách ly do LLVT quản lý, có 8.179 công dân được cách ly. Trong đó, có 6.395 công dân cách ly xong, 1.784 công dân đang thực hiện cách ly. Bộ đội thường trực và dân quân tự vệ tham gia chống dịch tại các địa phương có trên 500 đồng chí, tại các chốt kiểm soát dịch có trên 300 đồng chí và tại các điểm cách ly có gần 200 đồng chí. Ngành Hậu cần phối hợp với các lực lượng, các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giao nhận quân và huấn luyện chiến sĩ mới năm 2021, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Hiện 99,4% lực lượng bộ đội thường trực được tiêm vaccine phòng Covid-19, lực lượng dân quân đã tiêm vaccine đạt 52,8%.
Đối với công tác vận tải, tính đến đầu tháng 10/2021, ngành Hậu cần tổ chức vận chuyển được 600 tấn hàng hóa, vật tư trang bị các loại phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và nhu yếu phẩm hỗ trợ các vùng dịch trong và ngoài tỉnh cũng như vận chuyển vật tư y tế, vaccine để đảm bảo cho tỉnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng quốc gia với số lượng 210.000 tấn; vận chuyển 370.080 lượt cán bộ, chiến sĩ đi thực hiện nhiệm vụ. Trạm bảo dưỡng, sửa chữa tổng hợp T21 bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên 625 lượt phương tiện vận tải bộ, 103 lượt phương tiện thủy. Sửa chữa vừa và nhỏ 109 lượt phương tiện vận tải bộ. Việc bảo đảm xăng dầu phục vụ công tác vận tải được tiến hành đúng quy định về quản lý, bảo quản, sử dụng và cấp phát song song với việc tiết kiệm và chống hao hụt xăng dầu...
Đại tá Lê Anh Vương, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Việc làm tốt công tác hậu cần đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Bộ CHQS tỉnh. Năm 2021, công tác Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng được ngành Hậu cần Quân khu kiểm tra và đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là sự khích lệ, là động lực quan trọng để ngành Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.