(QK7 Online) - Là tỉnh biên giới thuộc miền Đông Nam Bộ, Tây Ninh có 240km đường biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia; có 2 cửa khẩu quốc tế; 4 cửa khẩu quốc gia, 11 cửa khẩu phụ với nhiều đường tiểu ngạch.
Tăng gia sản xuất trong Căn cứ Hậu cần, Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh. Ảnh: CTV.
Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hướng phòng thủ quan trọng trong thế phòng thủ chung của Quân khu và Bộ Quốc phòng, chính vì vậy Tây Ninh được Trung ương chọn làm điểm xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh.
Để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản làm căn cứ pháp lý để Bộ Tư lệnh Quân khu phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng Căn cứ Hậu cần, Kỹ thuật khu vực phòng thủ tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đề án được phê duyệt, tỉnh Tây Ninh quy hoạch tổng diện tích đất 1.700 ha gồm: căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật cơ bản: 600 ha; phân CCHC-KT số 1: 500 ha; phân CCHC-KT số 2: 500 ha và cơ sở Hậu cần - Kỹ thuật bí mật: 100 ha được phân bố trên các hướng, đủ khả năng bảo đảm Hậu cần - Kỹ thuật trong toàn tỉnh. Cấp huyện gồm 20 căn cứ, phân căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật, tổng diện tích đất quy hoạch 2.570 ha ở 9 huyện (thị xã, thành phố).
Đến nay cấp tỉnh đã triển khai xây dựng được 13 hạng mục công trình, trong đó: tại phân căn cứ HC-KT số 2 xây dựng được 5 hạng mục công trình: (Đường sỏi đỏ 2 km, điện; nhà kho lương thực; bể nước ngầm; giếng khoan), với tổng kinh phí 4,1 tỷ đồng; tại cơ sở HC-KT bí mật xây dựng được 8 hạng mục công trình gồm: Sở chỉ huy hậu cần; hệ thống hầm kho tổng hợp; 1 hầm quân y và bể nước, sẵn sàng triển khai cứu chữa thương bệnh binh; hầm kho vũ khí; bếp Hoàng Cầm cấp II; hệ thống chống sét; đường nội bộ và đường điện với tổng kinh phí 12,3 tỷ đồng.
Cấp huyện, thị xã, thành phố được cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư tổng trị giá: 95,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để xây dựng các hạng mục công trình như: Đường, điện; giếng khoan; bể chứa nước..., gắn với điều kiện dân sinh của từng địa phương, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng chuyển sang công tác hậu cần phục vụ chiến tranh.
Song song với xây dựng Căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật khu vực phòng thủ, Bộ CHQS tỉnh thực hiện Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu kết hợp quốc phòng-kinh tế của LLVT Quân khu giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020, đến nay đã có 3 trạm xăng dầu bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Tư lệnh Quân khu về tổ chức tăng gia sản xuất tập trung tại các Căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật. Năm 2020 bằng nguồn quỹ vốn của đơn vị và hỗ trợ của UBND tỉnh đầu tư hơn 6 tỷ đồng để thực hiện trồng cây lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm tạo nguồn lương thực thực phẩm bảo đảm tự túc cho lực lượng vũ trang của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020 lực lượng vũ trang tỉnh đầu tư trên 34 tỷ đồng, thu hoạch trên 98 tỷ đồng, lãi trên 64 tỷ đồng, bình quân đạt từ 4,9 – 6,5 triệu đồng/người/năm, đạt 105-115% so với kế hoạch năm. Kết quả lợi nhuận đưa vào ăn thêm hàng ngày, quà lễ, tết cho cán bộ, chiến sĩ.
Thời gian qua, thực hiện đề án của Bộ Tư lệnh Quân khu về xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai xây dựng 6 điểm, hiện hoàn thành và bàn giao 4 điểm, 2 điểm còn lại sẽ được bàn giao trong tháng 10/2020.
Tại mỗi điểm dân cư gồm 5 căn nhà cấp 4, diện tích xây dựng 66m2, ngoài ra các hộ dân còn được tạo điều kiện cấp đất ở và đất sản xuất, bình quân mỗi hộ khoảng 1ha; được Quân khu, chính quyền địa phương kéo điện lưới quốc gia, khoan giếng nước sinh hoạt, hỗ trợ bò giống, cây trồng tạo sinh kế cho người dân ở. Từ điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới gắn với xây dựng Căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng, tạo thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tích cực tham mưu các cấp đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục còn lại từ cấp tỉnh đến cấp huyện (thị xã, thành phố) theo quy hoạch.
Những kết quả trên là tiền đề vững chắc, điều kiện thuận lợi để Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt nghị quyết của các cấp và nhiệm vụ của Quân khu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh.
Trung tá HUỲNH MINH NGOAN, Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh