Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội là lực lượng quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho Quân đội và đất nước.
Những năm qua, đội ngũ này luôn đi đầu, lan tỏa phong trào học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH), nâng cao trình độ về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng xây dựng, gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cũng như xây dựng đội ngũ nhà giáo. Người khẳng định: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa...”.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, ngành giáo dục nói chung, những người làm công tác giáo dục trong quân đội nói riêng luôn xác định rõ vị trí, vai trò của mình, không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong công tác, thực hiện nhiệm vụ.
Ảnh minh họa
Những năm qua, đội ngũ nhà giáo quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, bồi dưỡng, quy hoạch, từng bước chuẩn hóa. Họ luôn ý thức xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với sự nghiệp trồng người; được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn sâu, kỹ năng, phương pháp sư phạm giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trên từng cương vị, chức trách được giao.
Nhiều đồng chí cán bộ, giảng viên khẳng định rõ vai trò chuyên gia đầu ngành trong giảng dạy và NCKH. Đây chính là lực lượng quan trọng góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân cách người quân nhân cách mạng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho đội ngũ học viên quân đội-nguồn cán bộ nòng cốt của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Theo tinh thần Nghị quyết số 86-NQ/ĐUQSTƯ ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD&ĐT trong tình hình mới, các học viện, nhà trường quân đội luôn quan tâm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo hướng đồng bộ, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tính đến nay, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo các trường quân đội có trình độ đại học trở lên đạt trên 94%; trong đó gần 35% có trình độ thạc sĩ, trên 10% nhà giáo quân đội có trình độ tiến sĩ. Nhiều giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) trong quân đội được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và con số này không ngừng tăng theo từng năm, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu về giảng dạy và NCKH trong hệ thống nhà trường quân đội.
Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ QLGD vẫn còn những bất cập, như: Tỷ lệ nhà giáo có học hàm, học vị chưa đủ so với yêu cầu; một số nhà giáo trẻ thiếu kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở; số lượng giảng viên đã qua đơn vị ngày càng ít; vẫn còn giáo viên, giảng viên chậm đổi mới phương pháp dạy học, chưa cập nhật kiến thức, phương pháp mới; việc quy hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo gặp không ít khó khăn...
Bên cạnh đó, những năm gần đây, cơ chế thị trường đã tác động không nhỏ đến đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo trong quân đội nói riêng. Một bộ phận giáo viên, giảng viên chưa thực sự say mê với nghề. Vẫn còn giảng viên thiếu tinh thần nghiêm túc, cầu thị trong NCKH, chậm đổi mới phương pháp nghiên cứu, giảng dạy. Từ đó, chất lượng của những “cỗ máy cái” trong một số nhà trường chưa thực sự được nâng cao.
Hiện nay, xu thế đổi mới GD&ĐT ngày càng mạnh mẽ. Cùng với đó, nhiều tri thức mới về khoa học quân sự, vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các nhà giáo quân đội trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, truyền thụ kinh nghiệm cho học viên.
Do đó, bản thân mỗi nhà giáo quân đội cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm và niềm vinh dự, tự hào khi trực tiếp tham gia đào tạo, xây dựng nhân lực cho quân đội. Từ đó, giảng viên, cán bộ QLGD không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động, tích cực tham gia xây dựng, đẩy mạnh phong trào NCKH, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, khoa học quân sự trong giảng dạy, công tác, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các cơ quan, đơn vị.
Với phương châm “giáo dục toàn diện”, nhà giáo là người bồi đắp, truyền thụ kiến thức, hình thành nhân cách người quân nhân cách mạng đối với học viên. Những bài học sâu sắc nhất mà đội ngũ cán bộ tương lai có được chính là sự nêu gương của người thầy. Vì thế, hơn ai hết, đội ngũ nhà giáo phải gương mẫu trong giảng dạy, công tác, sinh hoạt, phát huy cao độ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thực sự là tấm gương sáng để học viên noi theo.
Nỗ lực của bản thân mỗi giảng viên, cán bộ QLGD khi nhận được sự quan tâm của các học viện, nhà trường, của cấp ủy, chỉ huy các cấp sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho quân đội và đất nước. Vì thế, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ QLGD cần được các học viện, nhà trường và cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm.
Ngoài lựa chọn những học viên giỏi để tạo nguồn, cần có các chính sách thu hút nhân tài từ bên ngoài vào quân đội; lựa chọn cán bộ giỏi ở đơn vị, kinh qua thực tiễn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bổ sung cho các cơ sở đào tạo; tổ chức phối hợp, liên kết với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội để đào tạo, bồi dưỡng...
Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị, mô hình học cụ phục vụ dạy học sát thực tiễn; tăng cường tổ chức các hội thi, hội thao để cán bộ, giảng viên, giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nâng cao trình độ giảng dạy, quản lý và NCKH; có cơ chế, chính sách thúc đẩy các nhà giáo, cán bộ QLGD không ngừng vươn lên trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, bảo đảm "vừa hồng, vừa chuyên" sẽ là nguồn lực quan trọng quyết định hiệu quả công tác GD&ĐT trong quân đội. Thông qua công tác chuyên môn và sự nêu gương của mình, cán bộ, giảng viên các nhà trường trong toàn quân đã khẳng định rõ vai trò "cỗ máy cái" trong đào tạo nhân lực cho quân đội và đất nước, góp phần nuôi dưỡng, phát huy phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ quân đội ngay từ khi còn là học viên.
Đây là yếu tố then chốt góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
TRẦN ANH
Nguồn: qdnd.vn