Sự tận tâm chăm sóc điều trị của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhân dân về phẩm chất người thầy thuốc Quân đội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tiếp nhận bệnh nhân Covid - 19. Ảnh: CTV
Ngày 2/8, bệnh nhân Cao Thị Tiếm, 108 tuổi, ngụ tại ấp Dân Thắng 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh; là bệnh nhân cao tuổi nhất mắc Covid-19 được xuất viện tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5A.
Giọng nói như méo đi, cụ bà Cao Thị Tiếm rơm rớm nước mắt: “Trước lúc nhập viện, tôi cứ nghĩ mình sẽ không sống được, bởi tuổi cao sức yếu. Bây giờ được khỏi bệnh, xuất viện, thực sự là điều kỳ diệu. Tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm!”.
Thượng tá, bác sĩ Phạm Hồng Hà, Giám đốc bệnh viện, cho biết: Bệnh nhân Cao Thị Tiếm nhập viện cách đây 20 ngày. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có triệu chứng ho, tức ngực, khó thở và được chụp X-quang với hình ảnh tổn thương phổi… Bệnh viện phân công y, bác sĩ theo dõi chặt chẽ và kịp thời can thiệp hồi sức trước khi có các dấu hiệu chuyển nặng. Hơn 20 ngày tận tình, chăm sóc, điều trị, sau 2 lần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, bằng phương pháp realtime RT-PCR, bệnh nhân đều có kết quả âm tính.
Như vậy tính từ ngày đi vào hoạt động 11/7 đến nay, bệnh viện điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện hơn 400 bệnh nhân Covid-19, trong đó có nhiều bệnh nhân cao tuổi. Hiện, bệnh viện đang điều trị cho 354 ca bệnh Covid-19. Thực hiện tốt công tác điều trị, thời gian qua, bệnh viện nhận được nhiều lời cảm ơn sâu sắc của các bệnh nhân.
Trong thư gửi bác sĩ bệnh viện, anh Nguyễn Sang viết: “Em thật sự may mắn khi cách ly và điều trị tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5A được bác sĩ chăm sóc chữa khỏi bệnh. Hiện, em khỏe mạnh, vui cùng gia đình. Em thật sự cảm ơn các anh. Các anh, chị y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5A thực sự là những người quả cảm tận tâm chăm sóc, cứu chữa các bệnh nhân F0. Trong những lúc trời mưa tầm tã, các anh, chị vẫn đội mưa đi sửa chữa nguồn điện trong phòng bệnh, để kịp thời phục vụ mọi người có đủ điều kiện sinh hoạt, cấp phát cơm đến từng giường bệnh nhân và kiểm tra chúng em ăn uống có ngon miệng không. Các anh, chị luôn khám, thăm hỏi có ai khó thở, nhức đầu, mỏi mệt không để phát thuốc uống. Được các anh, chị y bác sĩ phát đồ dùng cá nhân, như: bàn chải đánh răng; dầu gội đầu; xà bông; khẩu trang; nước muối… em rất yên tâm điều trị. Chúc các anh, chị sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch”.
Nâng cao chất lượng công tác điều trị, thời gian qua, bệnh viện xây dựng kế hoạch điều trị cụ thể, đồng thời thường xuyên cập nhật bồi dưỡng, phổ biến kinh nghiệm nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ. Bệnh viện không ngừng trang bị đầu tư các thiết bị y tế, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, nhất là các phương tiện, kỹ thuật theo dõi, kiểm tra bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng, công tác an toàn. Đội ngũ y, bác sĩ luôn lấy tiêu chí chăm sóc, chữa khỏi cho bệnh nhân làm mục tiêu đăng ký phấn đấu của mỗi tập thể, cá nhân. Đơn vị làm tốt công tác phân loại chính xác bệnh nhân, xác định hướng điều trị phù hợp. Các ca trực chủ động kiểm tra, chuẩn bị kỹ các phương tiện kỹ thuật thiết bị; nắm, đánh giá đúng tình hình sức khỏe bệnh nhân và luôn có các phương án xử lý tình huống sát thực. Mỗi y bác sĩ đều tận tình, chăm sóc bệnh nhân như người ruột thịt.
Đại úy QNCN, điều dưỡng Lý Thị Lan Hương, bày tỏ: Khi tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân, thấy nhiều bệnh nhân hoàn cảnh, tuổi cao, nhỏ tuổi, tôi cũng không cầm được nước mắt. Vì vậy, bên cạnh thực hiện tốt công tác y thuật, tôi luôn gần gũi, động viên, an ủi bệnh nhân, nhất là bệnh nhân tuổi cao, bệnh nhân nhỏ tuổi, bệnh nhân là người khuyết tật. Tôi chú ý chăm sóc bệnh nhân toàn diện, nhất là kiểm tra công tác vệ sinh cũng như bảo đảm tốt chế độ dinh dưỡng, giúp bệnh nhân nâng cao thể chất, tinh thần tự tin vượt qua khó khăn về bệnh tật.