Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS, QP), đã tạo sự chuyển biến toàn diện đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Thực tế 35 năm qua cho thấy, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực QS, QP, đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác QS, QP, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời gian tới.
Nhiều thành tựu quan trọng về quân sự, quốc phòng
Thành tựu lớn nhất về lĩnh vực QS, QP trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Để có được kết quả này, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) luôn chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu chiến lược làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành, triển khai có hiệu quả nhiều chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án quan trọng về QS, QP, an ninh (AN), góp phần hoàn thiện, phát triển tư duy lý luận, đường lối, nghệ thuật quân sự, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, BVTQ cả trước mắt và lâu dài; triển khai thực hiện chặt chẽ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về QS, QP gắn với phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Quân đội luôn nắm chắc tình hình trong nước và quốc tế liên quan đến nhiệm vụ QS, QP; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống. Ghi nhận thành tích đó, tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Quân ủy Trung ương, BQP đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về QS, QP; thường xuyên nắm chắc tình hình, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, dự báo, kịp thời đề xuất các chủ trương, đối sách đúng đắn, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ...”.
Thành tựu lớn thứ hai là nền quốc phòng toàn dân (QPTD) được xây dựng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ. Thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã xây dựng nền QPTD toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại; lấy lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân làm nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. Đến nay, thế bố trí các lực lượng được điều chỉnh hợp lý; huy động hiệu quả các nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT), tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho các đối tượng được coi trọng, đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo cơ sở, nền tảng cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ QS, QP, AN, BVTQ của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng và toàn dân.
Bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ. Ảnh: Văn Chung
Ba là, chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT, nhất là Quân đội nhân dân (QĐND) không ngừng được nâng cao, bảo đảm xứng đáng là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ BVTQ. Đặc biệt, việc triển khai xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại là chủ trương mang tính đột phá đã không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới. Nổi bật là quân đội thực hiện tốt đề án tổ chức lực lượng theo hướng "tinh, gọn, mạnh", có cơ cấu tổ chức phù hợp, thành phần các quân chủng, binh chủng hợp lý; đã tự nghiên cứu, làm chủ, sản xuất một số vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, góp phần tăng cường sức mạnh phòng thủ của đất nước; chủ động nghiên cứu, đưa vào huấn luyện, triển khai các loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch, phương án xử lý các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống bảo đảm sát thực tế, phù hợp với điều kiện mới. Đồng thời, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; qua đó, ngày càng khẳng định rõ vai trò của "đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất". Như trong “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19, quân đội đã thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bốn là, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, của QĐND Việt Nam và xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển. Đặc biệt, sau khi gia nhập ASEAN, nước ta đã chủ động tham gia tích cực và có chất lượng tất cả các cơ chế hợp tác QS, QP của hiệp hội với nhiều sáng kiến được đánh giá cao, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh trong khu vực. Thông qua hội nhập, hợp tác đã tranh thủ được nhiều nguồn lực quốc tế để xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, BVTQ từ sớm, từ xa. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI: “Công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, cả song phương và đa phương, đạt hiệu quả thiết thực, trở thành một trong những trụ cột đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần BVTQ từ sớm, từ xa. Đối ngoại quốc phòng đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước láng giềng, cân bằng quan hệ với các nước lớn và giữ vững quan hệ với các nước bạn bè truyền thống. Chủ động tham gia các diễn đàn quân sự, quốc phòng đa phương; phối hợp, tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; tích cực tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nước ta và Quân đội ta trên trường quốc tế, nhất là trong khối ASEAN”...
Thành tựu thứ năm là, quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực QS, QP, BVTQ. Đặc biệt, Đảng đã ban hành Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam...; từng bước triển khai thể chế hóa cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng về BVTQ thành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để các cấp, ngành, lực lượng và địa phương triển khai thực hiện. Nước ta đã ban hành nhiều bộ luật về lĩnh vực QS, QP, như: Luật Quốc phòng, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam... Bước đầu hình thành hệ thống pháp luật và cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia... Đây là những cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác QS, QP thống nhất, có hiệu quả và phát huy trách nhiệm, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân đối với sự nghiệp BVTQ.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật nêu trên, thực hiện đường lối đổi mới, công tác QS, QP còn đạt nhiều kết quả quan trọng khác, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong đó có sự đổi mới, phát triển rõ nét tư duy về QS, QP, chuyển từ xác định “bạn”, “thù” đến mối quan hệ linh hoạt, biện chứng “đối tượng”, “đối tác”; về xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xác định một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; về xây dựng nền QPTD gắn với nền an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp kinh tế với QP, AN; QP, AN với kinh tế và đối ngoại... Đây là bước phát triển phù hợp với xu thế và tình hình thực tiễn, là cơ sở để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS, QP, BVTQ trong điều kiện mới.
Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên
Củng cố QP, AN, BVTQ là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta, trong đó QĐND và Công an nhân dân (CAND) là nòng cốt. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới.
Dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường. Bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác phát triển thì cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo có thể gay gắt hơn. Suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng gắn với đại dịch Covid-19. Các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu diễn biến phức tạp. Nước ta sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao; hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn... Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá, đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"... Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.
Trước tình hình trên, dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Củng cố QP, AN, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND và CAND là nòng cốt. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Phải chuyển mạnh sang việc "chủ động phòng ngừa" là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa... Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc...
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong giai đoạn mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nắm vững bài học kinh nghiệm về công tác QS, QP, BVTQ đã được Đảng ta rút ra từ thực tiễn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đó là: Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ; phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và BVTQ trong tình hình mới.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Tăng cường tiềm lực QP và AN; xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền QPTD và nền an ninh nhân dân... Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với QP, AN và giữa QP, AN với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong chiến lược phát triển KT-XH, chiến lược BVTQ; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QP, AN, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể. Xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển...
35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, LLVT nói chung, QĐND Việt Nam nói riêng đã đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước. Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới lĩnh vực QS, QP một cách toàn diện, thiết thực, hiệu quả; với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP, AN, BVTQ, Quân đội ta phải thường xuyên quán triệt, nắm vững đường lối đổi mới, nhất là quan điểm, tư duy mới của Đảng về công tác QS, QP, BVTQ.
Trước hết, toàn quân tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các đề án, chiến lược về quân sự, quốc phòng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; đặc biệt là những nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Trong đó, tiếp tục chủ động công tác nghiên cứu, nắm, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước chủ trương về QS, QP; xử lý hiệu quả các tình huống, bảo đảm trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không bị động, bất ngờ; chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp tổng thể, hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; chủ động, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống. Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương, phát huy tốt vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng và hoạt động của các KVPT; tăng cường tiềm lực quốc phòng, sức mạnh quốc gia, đủ khả năng huy động ứng phó có hiệu quả các tình huống QP, AN; xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc...
Đặc biệt, toàn quân tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại; trước mắt là triển khai xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu"... Tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước bền vững, ngày càng cường thịnh.
(còn nữa)
Nguồn: qdnd.vn