Chiều 4/6, sau 3 ngày diễn ra với 5 phiên thảo luận toàn thể và 4 phiên thảo luận đặc biệt cùng cuộc gặp song phương bên lề giữa các quan chức quốc phòng và chuyên gia về an ninh quốc tế từ khoảng 40 quốc gia, Đối thoại Shangri-La 2017 đã bế mạc.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như các thách thức đối với an ninh toàn cầu hiện nay.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Đức Hải - Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri La lần thứ 16.
PV: Thưa Trung tướng, xin ông cho biết những đánh giá về kết quả nổi bật đạt được tại diễn đàn lần này?
Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Đối thoại Shangri La lần này tập trung nhiều nhà lãnh đạo, đặc biệt là Bộ trưởng quốc phòng của các nước, trong đó có nội dung phát biểu hết sức quan trọng của Thủ tướng Australia trong phiên khai mạc và một sự tập trung rộng rãi của các quan chức xoay quanh bài phát biểu của ngài James Mattis - Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải trả lời báo chí về Đối thoại Shangri-La 2017
Đây là những nội dung mang tính thông điệp hết sức rõ ràng, thẳng thắn. Và điểm nổi bật lần này, đó là các vấn đề nêu lên không né tránh, không lẫn lộn giữa các yếu tố, trong đó vấn đề thách thức an ninh được đề cập nổi lên, đó là vấn đề Biển Đông, an ninh biển, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề chống khủng bố và an ninh mạng đã được quan tâm.
Trong các thách thức nổi lên ở khu vực, có thể nói rằng, việc kết hợp xử lý các vấn đề mang tính nguyên tắc và thể hiện lập trường rõ ràng trong xử lý vấn đề Triều Tiên và an ninh biển là 2 nội dung không lẫn lộn, không nhập nhằng. Bài phát biểu của ông James Mattis đã khẳng định điều đó.
Một vấn đề thứ hai nữa là Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định ưu tiên và phát triển cái trước đây gọi là chuyển trọng tâm sang khu vực Thái Bình Dương.
Lần này, họ tiếp tục khẳng định việc ủng hộ các đồng minh trong khu vực và khẳng định trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề an ninh biển để bảo đảm môi trường hòa bình, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây có thể nói là một điểm nhấn trong Đối thoại Shangri La.
Vấn đề nữa là Đối thoại Shangri La tập trung bàn các giải pháp mang tính thiết thực hơn trong xử lý vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, vấn đề an ninh mạng.
Các nước đề cập nhiều, xoay quanh xu hướng phát triển, tình hình mất ổn định trên nền tảng an ninh mạng hiện nay. Đây là vấn đề các nước rất quan tâm.
Ngoài ra, Đối thoại Shangri La còn bàn các giải pháp, trước đây thường là trình bày các thách thức an ninh trong khu vực, lần này là bàn các giải pháp mang tính đồng bộ hơn.
Có nước nêu vấn đề là cần phải khẳng định thái độ chính trị của mỗi quốc gia, cần phải đề cao hơn tôn trọng luật pháp quốc tế và cần phải chung tay, không thể một nước có thể giải quyết hết vấn đề mà cần sự hợp tác nỗ lực lớn của các quốc gia trong giải quyết các vấn đề thách thức an ninh, kể cả an ninh phi truyền thống, như là vấn đề lao động biển cũng được đề cập trong nội dung các phiên, kể cả phiên toàn thể.
Các đại biểu đánh giá, những nội dung trong các phiên đồng thời gay cấn hơn nhiều, các vấn đề đặt ra nhiều hơn mà yêu cầu các diễn giả cần phải xử lý hợp lý nhất.
PV: Bên lề đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN. Vậy, ông có thể chia sẻ về nội dung cuộc gặp này?
Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ có cuộc gặp với các đoàn trưởng của các nước ASEAN.
Ý kiến chung đánh giá, đây là một buổi làm việc rất bổ ích, là dịp các nước ASEAN chia sẻ những thách thức của từng nước cũng như trong việc tăng cường hơn nữa sự hợp tác của Hoa Kỳ với tư cách là vai trò của một nước lớn để góp phần bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực, theo từng vấn đề của từng quốc gia.
Ví dụ như Malaysia đề cập trao đổi kinh nghiệm trong hợp tác chống khủng bố. Rồi Philippines hay Myanmar, Thái Lan cũng đề cập nhiều trong cơ chế hợp tác và mong muốn Hoa Kỳ sẽ có nhiều giải pháp, trách nhiệm lớn hơn đối với các nước ASEAN nói chung và đặc biệt là trong thực thi tham gia cơ chế ADMM+ để góp phần xây dựng một khu vực bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển.
Các đại biểu cũng đề vấn đề Mỹ tại sao lại bỏ TPP khi mà trước đây Tổng thống cũ đã dầy công xây dựng, đầu tư vấn đề này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ nêu vấn đề này rằng, sẽ có nội dung hợp tác mạnh mẽ hơn. Còn vấn đề này như thế nào, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu.
PV: Trung tướng có thể cho biết về các hoạt động của Đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri La lần này?
Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Các hoạt động của Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam đã thể hiện các nội dung hết sức linh hoạt.
Chúng ta đã chuẩn bị hết sức chu đáo, tham dự các phiên đặc biệt, để phân tích, đánh giá, tham gia chất vấn, đồng thời khẳng định rõ hơn quan điểm của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta.
Chúng ta luôn luôn khẳng định quan điểm nhất quán là Việt Nam hội nhập sâu rộng trong môi trường quốc tế, đồng thời khẳng định tính độc lập, tự chủ và những biện pháp xử lý vấn đề Biển Đông trên cơ sở nguyên tắc giải quyết các vấn đề hòa bình và chúng ta luôn tuân thủ luật pháp quốc tế UNCLOS 1982, và thực hiện các nội dung liên quan đến DOC và tiến tới để thực hiện COC.
Chúng ta cũng khẳng định Việt Nam luôn luôn thực thi các vấn đề, đó là kiềm chế những bất đồng trên biển và tìm ra những giải pháp tốt nhất, không sử dụng vũ lực, không đe dọa vũ lực để giải quyết các vấn đề về Biển Đông. Và mong muốn, Việt Nam sẽ hợp tác với tất cả các nước vì mục đích hòa bình, ổn định để phát triển và luôn luôn tôn trọng luật pháp quốc tế một cách nghiêm túc.
PV: Xin cảm ơn Trung tướng./.
Nguồn: vov.vn