Sự có mặt của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam và nội dung bài phát biểu, trao đổi, tham vấn với nhiều đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng các nước trong thời gian diễn ra đối thoại là biểu hiện sinh động định hướng của Đảng “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh...”.
Nhìn rộng ra, trong những năm qua, chúng ta đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác đối ngoại, hợp tác quốc phòng (ĐN, HTQP) đa phương, đạt được những kết quả quan trọng, có nội dung mang tính đột phá. Nổi bật là “Chủ động đóng góp, khởi động và tham gia định hình” các cơ chế khu vực, tiêu biểu như ADMM+; tích cực tham gia Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn-Bắc Kinh... Tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chất độc da cam, xử lý bom, mìn sót lại sau chiến tranh… có bước phát triển về chất. ĐN, HTQP đa phương góp phần xây dựng lòng tin với các đối tác, nâng cao vị thế đất nước, quân đội; thu hút nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân, quân đội; tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia giữ gìn hòa bình, ổn định của khu vực.
Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đứng trước nhiều thách thức an ninh mang tính toàn cầu. Tranh chấp chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc; cạnh tranh chiến lược, nhất là giữa các nước lớn, diễn ra với nhiều tầng nấc, trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển, đảo, không gian mạng, tôn giáo, văn hóa...; cả an ninh truyền thống và phi truyền thống. Vai trò, vị trí địa-chiến lược của châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN càng cao, sức hút ngày càng tăng thì tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh lợi ích chiến lược sẽ ngày càng quyết liệt hơn.
Trong bối cảnh đó, công tác ĐN, HTQP đa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhằm thực hiện tốt mục tiêu tổng quát: Góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, quân đội; tham gia bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, tư duy mới của Đảng về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”. Nhận thức rõ ĐN, HTQP đa phương là công cụ hữu hiệu để các nước đang phát triển phát huy vai trò, tham gia giải quyết các vấn đề quốc phòng, an ninh khu vực, thế giới; nâng cao vị thế quốc gia; đa dạng hơn lợi ích đan xen mà không hạn chế trong khuôn khổ song phương với từng đối tác; tạo cơ sở để hài hòa quan hệ với các nước lớn. Nhận thức đúng về sự tồn tại của cạnh tranh, sự khác biệt lợi ích; thông qua các cơ chế, diễn đàn, cùng nhau cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy xây dựng lòng tin; xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Hai là, tiếp tục tạo sự đan xen, gắn kết, ràng buộc về lợi ích chính trị, quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc; tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, lấy hợp tác đa phương khu vực ASEAN làm trọng tâm, mở rộng phạm vi, tính chất tham gia vào các cơ chế, khuôn khổ hợp tác quốc phòng; thực hiện tốt các cam kết, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, quân đội trên trường quốc tế. Chủ động tham gia xây dựng và ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Nâng cao nội lực, xây dựng lộ trình đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN chủ trì; đóng góp xây dựng, định hình các thể chế quốc phòng đa phương; trong đó có thiết chế giải quyết tranh chấp, xung đột. Chủ động, tích cực hợp tác với Trung Quốc và các nước ASEAN xây dựng COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả; nỗ lực cam kết, hành động, biến Biển Đông thành vùng biển “hòa bình-hợp tác-phát triển”.
Bốn là, chủ động tham gia có trách nhiệm, thực chất vào các tổ chức đa phương toàn cầu liên quan đến giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, sinh học và vi trùng do Liên hợp quốc chủ trì, dẫn dắt.
Năm là, mở rộng lĩnh vực, phạm vi, mức độ tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phù hợp với luật pháp, khả năng, điều kiện của Việt Nam.
Sáu là, kết hợp chặt chẽ quan hệ thương mại, kinh tế với công nghiệp quốc phòng; hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiếp thu quy trình quản lý sản xuất tiên tiến, hỗ trợ phương tiện, trang bị, tài chính để phát triển công nghiệp quốc phòng và hiện đại hóa quân đội; đa dạng hóa các mối quan hệ, tránh bị lệ thuộc vào một đối tác.
Bảy là, gắn kết chặt chẽ, tận dụng kết quả và tạo điều kiện thuận lợi cho đối ngoại, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác trong một chiến lược tổng thể của quốc gia.
Trên cơ sở đó, triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, đưa công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược về ĐN, HTQP đa phương trở thành hoạt động thường xuyên, lâu dài, cung cấp cơ sở khoa học cho xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, văn kiện Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; bổ sung chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Thứ hai, chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cả trong và ngoài nước về đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng hòa bình của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tăng cường sự thống nhất, đồng thuận nội bộ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế rộng rãi.
Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức; bổ sung, hoàn chỉnh chính sách, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài Bộ Quốc phòng; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp; bồi dưỡng kiến thức liên quan cho cán bộ chủ chốt các cấp; nâng cao nội lực, năng lực, bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu, nội dung, kế hoạch ĐN, HTQP đa phương những năm tới.
Thứ tư, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng... đẩy mạnh chuẩn bị đăng cai, đảm nhiệm các hội nghị, diễn đàn, cơ chế quốc tế, khu vực về ĐN, HTQP đa phương; hoàn thành tốt nội dung, chương trình, bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động. Trọng tâm là xây dựng chủ đề các hội nghị quân sự, quốc phòng năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN; đánh giá hiệu quả, đề xuất sáng kiến cho ADMM+ trong 10 năm tới...
Theo phương hướng đó, trong Đối thoại Shangri-La 2019, chúng ta sẽ trao đổi, tham vấn, đánh giá các thách thức an ninh, các vấn đề mà khu vực quan tâm, trong đó có “ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”. Chúng ta cho rằng dù muốn hay không, thì cạnh tranh đã, đang và sẽ tồn tại; vấn đề là cách thức quản lý, xử lý, hợp tác của cộng đồng không để xảy ra căng thẳng, đối đầu, xung đột. Từ quan điểm và thực tiễn của mình, Việt Nam đề xuất phương châm, giải pháp giải quyết tranh chấp dựa trên 3 nhân tố cơ bản: Không khí hòa bình, tinh thần đối tác và trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết thực hiện và kêu gọi các quốc gia ủng hộ, cùng thực hiện vì hòa bình, ổn định của khu vực.
Tham gia Đối thoại Shangri-La cùng các hoạt động ĐN, HTQP đa phương khác mà Việt Nam đang và sẽ tiến hành là biểu hiện sinh động trách nhiệm chủ động đóng góp, khởi động và tham gia định hình các cơ chế, diễn đàn khu vực; góp phần thực hiện quan điểm của Đảng: “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là định hướng chiến lược, là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình”.
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng