Đảo Đá Nam nằm ở 11023’15” vĩ độ Bắc; 114017’54” kinh độ Đông, cách bán đảo Cam Ranh 299 hải lý, cách đảo Song Tử Tây khoảng 2,6 hải lý về phía Đông Bắc.
Đá Nam khá bằng phẳng có hình elíp chạy dài từ Bắc xuống Nam, chiều dài khoảng 2 hải lý, chiều rộng khoảng 1,5 hải lý. Khi thủy triều xuống thấp, bãi san hô nổi lên khỏi mặt nước từ 0,5- 0,7m. Đây là đảo chìm nên công tác tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Khác với các đảo nổi, ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa.
Rau xanh trên Đảo
Cũng như đảo Đá Nam, Đá Thị như một ngôi nhà kiên cố có kiến trúc như nhà đồng bằng Bắc Bộ nổi giữa trập trùng sóng nước. Đảo Đá Thị còn có tên gọi khác là đảo Núi Thị, cách bán đảo Cam Ranh 322 hải lý, đảo Đá Thị nằm ở 100 24’39” vĩ độ Bắc, 1140 35’ 15” kinh độ Đông cách đảo Sơn Ca 7 hải lý về phía Tây Nam. Đảo Đá Thị là bãi san hô có bề mặt tương đối bằng phẳng, thỉnh thoảng có những vũng sâu. Nhìn trên bản đồ, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết tạo thành thế chân kiềng vững chãi. Phía Tây là đảo Ba Bình (đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa) hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp từ thập niên 50. Kế bên là đá Ga Ven, Trung Quốc chiếm đóng vào cuối thập niên 80.
Đơn vị đảo Đá Thị, thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân được giao nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ một vùng biển, đảo ở Đông Bắc cụm rạn san hô Nam Yết, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), trong đó có bãi đá san hô Én Đất lớn nhất cụm Nam Yết, từ lâu nay bị nước ngoài nhòm ngó. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đảo Đá Thị xác định trọng tâm công tác là nâng cao chất lượng kiểm soát vùng trời, vùng biển, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo của cấp trên về xử lý tình huống khi nước ngoài xâm phạm vùng nước các đảo, các tình huống tác chiến bảo vệ vùng biển Việt Nam. Đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, tàu trực chiến để kiểm soát vùng trời, vùng biển, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, bảo đảm không để sót, lọt mục tiêu, xử lý tình huống kịp thời, chính xác, đúng chính sách. Trong công tác sẵn sàng chiến đấu, đơn vị luyện tập thành thạo các phương án chiến đấu, đặc biệt là phương án chống nước ngoài tập kích bất ngờ, bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, vững chắc, bí mật cho chỉ huy thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống (kể cả tác chiến điện tử của nước ngoài)...
Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân chủng Hải quân tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Đảo Đá Thị
Khác với đảo Đá Nam và Đá Thị, đảo Nam Yết như một rừng cây xanh mát giữa trùng khơi. Nam Yết thuộc vĩ độ 10010’45” Bắc, kinh độ 114022’00” đông, cách đảo Trường Sa Lớn 174 hải lý về phía Đông Bắc, cách đảo Song Tử Tây 76 hải lý về phía Nam, cách Cam Ranh 326 hải lý về phía Đông Nam. Diện tích tự nhiên của đảo 97 ngàn m2, đứng thứ 4 trong các đảo do Việt Nam trực tiếp quản lý trên quần đảo Trường Sa. Về mặt hành chính, đảo Nam Yết thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Trước đây, đảo Nam Yết là trung tâm chỉ huy của lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa… Theo “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam”, sau khi Đặc công Hải quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây (14-4-1975) và Sơn Ca (25-4-1975), tối 26-4-1975 các đơn vị Quân đội Việt Nam Cộng hòa ở các đảo còn lại tại quần đảo Trường Sa được lệnh rút. Ngày 27-4-1975, Hải quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc đã tung bay trên mốc chủ quyền trong nắng gió Trường Sa.
Từ đó đến nay, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn phát huy truyền thống anh hùng, sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, các công trình quốc phòng và dân sinh trên đảo được xây dựng khá vững chắc. Xung quanh đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng kiên cố, có bến cập xuồng. Trên đảo đã có nhà 2 tầng và nhiều nhà kiên cố khác, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho cán bộ, chiến sĩ. Đảo có trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và nhiều phương tiện phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội.
Đối với quân và dân trên đảo, những sản phẩm từ dừa được sử dụng vào nhiều việc. Lá dừa được dùng để lợp chắn sóng, chống gió mặn cho các vườn rau, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Sọ dừa khô làm gáo múc nước hay gắn thêm ốc biển làm thành những hộp quà nho nhỏ gửi về tặng đất liền... Hàng năm đều có nhiều cơn bão lớn quét ngang qua đây, nhưng chưa từng có một cây dừa nào bị đổ. Những hàng dừa còn chở che cho những vườn rau xanh và nhiều loại cây nhỏ khác trước sự tác động trực tiếp của hơi muối và bão gió khắc nghiệt.
Cây dừa trên đảo Nam Yết như tượng trưng cho hình tượng người chiến sĩ luôn tương thân, tương ái đùm bọc lẫn nhau, nó cũng thể hiện cho tinh thần của những người con của đảo, luôn vững vàng, dẻo dai trước phong ba, bão táp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia.
Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường, cán bộ chiến sĩ ở những đảo trên luôn phát huy truyền thống, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Sóng gió Trường Sa đã tôi rèn ý chí người lính đảo, khiến các anh luôn vững vàng kiên trung bám biển, bám đảo gìn giữ phần đất tổ tiên trước muôn trùng bão tố, hiểm nguy.