LTS: Trong những năm kháng chiến chống quân xâm lược, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc kết hợp binh-địch vận với tác chiến, đẩy mạnh công tác địch vận trong chiến đấu; đưa công tác binh-địch vận trở thành một trong ba mũi giáp công (chính trị; quân sự; binh-địch vận) đã góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, chúng tôi sưu tầm, tổng hợp tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng, qua đó giới thiệu cùng bạn đọc những nét đặc sắc về công tác binh-địch vận đã làm nên những chiến công tiêu biểu trong lòng địch.
Kỳ 1: Chuyện về “những người Việt Nam mới”
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như trong kháng chiến chống Pháp, công tác binh-địch vận được Đảng và Quân đội ta đẩy mạnh với nhiều hình thức, hoạt động sáng tạo và táo bạo, nhất là việc tuyên truyền vận động binh sĩ người nước ngoài. Trong kháng chiến chống Pháp, có khoảng 1.300 lính lê dương đào ngũ, chạy sang hàng ngũ Việt Minh và tình nguyện tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhiều người sau đó trở thành cán bộ của Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi họ là “những người Việt Nam mới”.
Chi bộ Đảng bí mật trong đơn vị lính Pháp
Thực hiện chỉ thị của Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lưu Quyên, Trưởng ban Binh vận Xứ ủy Bắc Kỳ đã trực tiếp liên lạc với một số người có tư tưởng tiến bộ trong Trung đoàn Lê dương số 4 (đóng tại Việt Trì, Phú Thọ) và tổ chức được một chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên trong hàng ngũ binh lính lê dương Pháp, gồm 3 người: Éc-uyn Boóc-sơ (Erwin Borchers)-người Đức, mang tên Việt là Chiến Sĩ; Phơ-rây (Frey) người Áo, tên Việt là Nguyễn Dân và Gốt-van (Golvald)-người Tiệp Khắc (trước đây), tên Việt là Hồ Chí Dậu. Họ đều có chung một cảnh ngộ: Bị phát xít Đức khủng bố, phải chạy sang Pháp, sau đó bị ép buộc đi lính lê dương. Khoảng năm 1941, trong đội quân viễn chinh, họ đặt chân đến Việt Nam và được điều lên đóng tại Việt Trì. Thông qua các cán bộ binh vận của ta, Éc-uyn Boóc-sơ - một trí thức người Đức có tư tưởng tiến bộ, bắt đầu liên lạc với Việt Minh.
Lúc đó, công tác binh vận của ta do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Khoảng năm 1943, khi nghe tin tổ chức của ta bắt liên lạc được với một trí thức người Đức, đồng chí Trường Chinh quyết định trực tiếp gặp gỡ để tìm hiểu. Theo sắp đặt trước, cuộc gặp diễn ra bí mật tại một địa điểm gần làng Vẽ (phía bắc cầu Thăng Long hiện nay). Từ đó, Éc-uyn Boóc-sơ (Chiến Sĩ) chính thức hoạt động cho ta. Sau này, chính đồng chí Trường Chinh đã giới thiệu Chiến Sĩ vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi từ đó phát triển thành chi bộ Đảng bí mật với sự tham gia của hai người khác là Nguyễn Dân và Hồ Chí Dậu, trong đơn vị lính Pháp đóng ở Việt Trì; có người đã đi suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm cùng quân và dân ta chống thực dân Pháp. Nhờ chi bộ này, công tác địch vận thêm hiệu quả với sự tham gia của nhiều binh lính Pháp phản chiến.
Khi Nhật đảo chính Pháp, cả 3 người bị quân Nhật bắt làm tù binh, bị đưa lên giam ở Hòa Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền về tay nhân dân, nhưng quân Pháp sau đó quay lại đánh chiếm Sài Gòn. Công tác tuyên truyền giải thích đường lối, chủ trương của Việt Minh trong binh lính Pháp và Pháp kiều trở nên rất quan trọng. Đúng thời điểm đó, tháng 9-1945, Chiến Sĩ và Nguyễn Dân, cùng một trí thức người Đức khác là Ru-đi Sro-đơ (Rudy Schroder), tên Việt là Lê Đức Nhân, từ trại giam đã tìm về tòa soạn Báo Cờ giải phóng của Đảng, gặp đồng chí Trường Chinh, xin chính thức gia nhập Việt Minh. Đồng chí Lưu Văn Lợi đã lo cho họ chỗ ăn ở và tìm hiểu để bố trí công việc.
Đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp phân công công tác cho “những người Việt Nam mới” đầu tiên trong lực lượng Việt Minh. Phơ-rây (tức Nguyễn Dân), có khả năng quân sự cao, được đưa sang làm bộ đội, sau này được phong quân hàm Đại tá phụ trách an ninh khu vực an toàn khu - nơi có các cơ quan tham mưu chiến lược của QĐND Việt Nam đóng quân. Sau đó, Nguyễn Dân đã chiến đấu dũng cảm trong đội ngũ QĐND Việt Nam suốt 5 năm tại các Chiến khu 2, 3, 9, 10 ở Việt Bắc và Liên khu 5. Nguyễn Dân đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được chụp ảnh chung với Người, được Người gửi thư thăm hỏi. Ông cũng không thể nào quên những kỷ niệm như lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Tạ Quang Bửu... Một sự kiện trọng đại trong đời Nguyễn Dân là vinh dự được phát biểu ý kiến, chúc mừng Đại hội lần thứ II của Đảng, tổ chức tại Việt Bắc, năm 1951.
Suốt năm 1948, Nguyễn Dân và các chiến sĩ Việt Nam thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các cơ quan Trung ương đóng ở Việt Bắc. Sau này, có lần Nguyễn Dân chỉ huy một đơn vị phòng không ở vùng núi Ba Vì và đã bắn rơi một máy bay của quân Pháp. Ít năm sau, được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho các chiến sĩ quốc tế trở về tổ quốc đoàn tụ với gia đình, Đại tá Nguyễn Dân trở về nước.
Còn Éc-uyn Boóc-sơ (tên Việt là Chiến Sĩ) được chuyển sang làm ở một tờ báo của cơ quan địch vận, xuất bản bằng tiếng Pháp, chuyên viết bình luận chính trị bằng tiếng Pháp với bút danh Chiến Sĩ, sau đó chuyển sang làm biên tập viên của Thông tấn xã Việt Nam một thời gian, rồi trở lại cơ quan địch vận với quân hàm trung tá, cho đến khi kháng chiến thành công. Trở lại quê hương năm 1966, Éc-uyn Boóc-sơ luôn nhớ về Việt Nam. Trước khi mất, ông đã gọi cô con gái Clau-đi-a Boóc-sơ (Claudia Borchers) vào và nói rằng: “Ba muốn được rắc nắm tro của mình ở nơi nào đó trên đất nước Việt Nam”.
Đầu năm 2004, bà Clau-đi-a Boóc-sơ trở lại quê hương thứ hai của cha mình. Bà có tên Việt Nam là Việt Đức và được sinh ra ở An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên. Bà kể: “Ban đầu mẹ đặt cho tôi một cái tên Việt Nam là Mai. Nhưng trước ngày cha tôi đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bảo: “Phải đặt cho con một cái tên khác để ghi nhớ tình đoàn kết giữa hai dân tộc, nếu tôi không trở về”. Và thế là tôi mang một cái tên mới: Việt Đức".
Ru-đi Sro-đơ (Lê Đức Nhân) ban đầu cũng được phân công viết báo, nhưng đến năm 1949 do nhu cầu công tác, anh được điều động ra mặt trận với quân hàm Trung tá, chỉ huy một lực lượng đặc biệt tuyên truyền vũ trang mang tên William Tell, gồm một nửa là người Đức, một nửa là người Việt với nhiệm vụ bao vây các đồn có lính Đức, kêu gọi họ chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Trong cuốn nhật ký chiến trường, Sro-đơ từng viết: “Cả ba người chúng tôi (Sro-đơ, Boóc-sơ, Phơ-rây) đều coi Việt Nam là tương lai, là tiền đồ của mình. Chúng tôi tin chắc điều đó và thật sự đất nước Việt Nam đã trở thành đất nước của chúng tôi...”.
Tiếng vang của “Đội quân Bắc Phi độc lập”
Cách đây gần 70 năm, từng có một đội quân gồm toàn những người lính Bắc Phi, sát cánh chiến đấu cùng những chiến sĩ Việt Nam. Họ còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh trong trận chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, vì nền độc lập của Việt Nam và vì tương lai giải phóng của chính dân tộc họ. Đội quân đó được gọi là Đội ĐINA - viết tắt 4 chữ cái đầu tiên của tên đội bằng tiếng Pháp: “Đội quân Bắc Phi độc lập”. Thành viên của đội là những người dân từ các nước thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi, bị quân Pháp bắt vào lính rồi đưa sang Đông Dương tham chiến.
Cuối năm 1947, giặc Pháp thua đau trên Đường số 4, nghe theo lời kêu gọi của cán bộ binh vận Việt Minh, họ chạy sang hàng ngũ của ta. Được giác ngộ, họ dần dần hiểu được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do nhân dân ta tiến hành. Nhiều người trong số họ đã tình nguyện được đi chiến đấu, hy vọng sẽ có ngày mang kinh nghiệm của Việt Nam về giúp dân tộc mình đánh đuổi giặc Pháp. Đội ĐINA ra đời trong hoàn cảnh đó, tập hợp hơn 20 người lính Bắc Phi thuộc 3 quốc tịch: An-giê-ri, Tuy-ni-di và Ma-rốc. Hai cán bộ Việt Nam là Cao Phong và Lê Vân được trên điều về làm Đội trưởng và Chính trị viên Đội ĐINA. Ngoài ra, hai tiểu đội của ta cũng được biên chế về Đội ĐINA để phối hợp hoạt động.
Đầu năm 1949, trên một quả đồi nhỏ thuộc xã Phúc Trìu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, lễ ra mắt đội ĐINA được tổ chức trọng thể. Giữa núi rừng Việt Bắc, một chiếc rạp nhỏ được dựng lên làm diễn đàn cho đại diện Tỉnh ủy và các đoàn thể tỉnh Thái Nguyên. Dân chúng các làng xung quanh kéo đến rất đông. Hơn 20 người lính Bắc Phi chỉnh tề trong những bộ quân phục Việt Nam mới may bằng vải ka-ki nâu, đầu đội mũ làm bằng bìa cát-tông sơn xanh, đứng trang nghiêm trước Quốc kỳ Việt Nam, nghe đồng chí Lưu Văn Lợi, Trưởng phòng Địch vận, thuộc Cục Chính trị QĐND Việt Nam đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đội ĐINA. Trong thư, Bác căn dặn những người lính Bắc Phi phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong chiến đấu, học tập, để sau này về giúp dân tộc mình thoát khỏi ách đô hộ. Tiếng nhạc của đội kèn quân đội vang lên; chị em phụ nữ các đoàn thể ào xuống tặng hoa trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của dân chúng. Không ai còn cảm thấy sợ những người lính Tây đen như trước đó.
Gọi là đội quân, nhưng Đội ĐINA coi trọng chính trị hơn quân sự. Tác chiến chỉ là trường hợp đặc biệt khi bất ngờ gặp địch, còn nhiệm vụ chính của đội là tuyên truyền, vận động những người A-rập, người theo đạo Hồi trong quân đội Pháp đòi hòa bình và hồi hương; vận động họ khi ra trận chỉ bắn chỉ thiên, không bắn vào người Việt Nam, khi có điều kiện thì chạy sang hàng ngũ của ta. Sau một tháng huấn luyện, đội lên đường về các vùng giáp ranh với địch thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, đi đến đâu là viết truyền đơn, kẻ khẩu hiệu bằng tiếng A-rập tung vào hàng ngũ của địch. Đêm đêm, đội áp sát đồn địch, bắc loa kêu gọi những người A-rập ra hàng. Chỉ sau một thời gian ngắn, tiếng vang của Đội ĐINA đã lan rộng khắp vùng núi rừng Việt Bắc. Các mặt trận liên tiếp cử người về đội “xin lẻ” một số người Bắc Phi đi giúp làm công tác địch vận. Từ đó bắt đầu xuất hiện nhiều vụ bỏ trốn của những binh lính A-rập trong hàng ngũ quân đội Pháp.
Giặc Pháp hoang mang, cử nhân viên phòng nhì theo dõi chặt chẽ hoạt động của Đội ĐINA, nhưng không làm gì được. Đội hành quân rất gian khổ, cuộc sống vật chất rất thiếu thốn, nhiều khi bữa ăn chỉ có cơm không. Tình hình càng khó khăn hơn bởi nhiều người lính Bắc Phi theo đạo Hồi, không ăn thịt lợn, chỉ ăn thịt dê, bò; nhiều người còn kiêng cả thịt động vật bốn chân. Đội phải bố trí cho họ nấu ăn riêng theo phong tục đạo Hồi. Tuy nhiên, đời sống tinh thần thì rất phong phú. Những người lính Bắc Phi này đều còn trẻ, đi đến đâu cũng tổ chức múa hát, diễn kịch cho dân làng xem, sống hòa đồng với bà con theo từng tốp 5 người. Hằng năm, họ đều tổ chức lễ Ra-ma-đan của đạo Hồi, ăn cơm vào buổi tối rồi cả đội ngồi quay mặt về phía Tây cầu kinh. Ai cũng nhớ về tổ quốc, mong có ngày được trở về nước đánh đuổi quân Pháp. Cuối năm 1950, sau Chiến dịch Biên Giới, đã khai thông tuyến đường sang Trung Quốc, những người lính Bắc Phi này được đưa về các đội sản xuất để chờ dịp hồi hương. Từ đây, Đội ĐINA cũng chấm dứt hoạt động.
--------------
(còn nữa)
Thuận Hóa - Anh Quang (tổng hợp) (Theo "Những người Việt Nam mới")