(QK7 Online) - Hành trình Ký sự vùng biên đi qua 3 tỉnh biên giới Bình Phước, Tây Ninh, Long An, chứng kiến những màu xanh ngút ngàn mang hơi thở của cuộc sống ấm no, được kết tinh từ bàn tay và khối óc của mỗi người dân vùng biên. Họ chính là “phên giậu” xanh, là “cột mốc” lòng dân vững chãi tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Từ năm 2003 đến nay, trên tuyến biên giới dài hơn 627 km giáp với Vương quốc Campuchia, Quân khu 7 đã xây dựng, kiên cố hóa 63/65 chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền bố trí xen kẽ giữa các đồn, trạm biên phòng. Đây là mắt xích quan trọng cùng với các lực lượng khác giữ vững an ninh trật tự, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ Quân khu và khu vực phòng thủ các tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời, từ năm 2019, trên tuyến biên giới, Quân khu 7 triển khai xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng, hình thành thế trận liên hoàn, vững chắc. Quân và dân cùng phối hợp tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Điểm dân cư biên giới xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, phía trước là cột mốc 220 vững chắc
Là cư dân đầu tiên của Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bàu Năng, huyện Bến Cầu, Tây Ninh, Chốt trưởng Trần Văn Phước, công tác ở Chốt dân quân thường trực biên giới Bàu Năng rất vui mừng, phấn khởi khi cuộc sống bước đầu ổn định. Căn nhà nhỏ ấm áp nơi biên cương được anh chăm chút, tràn ngập màu xanh của cây trái, màu hồng trắng tươi của hoa lan, làm bừng sáng khoảnh sân nhỏ trước hiên nhà. Để tăng thêm thu nhập, đồng chí Phước còn chăn nuôi bò sinh sản. Từ một con bê cái ban đầu do Quân khu trao tặng, đến nay đàn bò phát triển 5 con, tạo sinh kế bền vững cho gia đình anh ổn định cuộc sống.
Chốt trưởng Trần Văn Phước chăm sóc đàn bò của gia đình
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bàu Năng hiện có 45 căn nhà. Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con nơi đây, Chốt trưởng Trần Văn Phước luôn xây dựng mối đoàn kết gắn bó quân dân, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.
Công tác tại Chốt dân quân Bàu Năng từ năm 2018, đến tháng 3/2023, anh được giao nhiệm vụ làm chốt trưởng. Trong quá trình công tác, anh luôn được lãnh đạo UBND xã Long Phước đánh giá cao, được biểu dương, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tham gia phòng chống cháy rừng, dân vận, lao động giúp dân…
Chốt trưởng Trần Văn Phước là một trong nhiều đối tượng thụ hưởng của đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”, đó là cán bộ, chiến sĩ dân quân, bộ đội biên phòng, dự bị động viên, quân nhân xuất ngũ và nhân dân của địa phương tình nguyện lên biên giới sinh sống, phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Những đứa trẻ sinh sống tại Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân biên giới Bàu Năng
Anh Lê Anh Tuấn, sinh sống tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, là bộ đội xuất ngũ, hiện đang là công nhân cao su của Trung đoàn 717/Binh đoàn 16. Năm 2020, anh được Quân khu 7 xét cấp nhà, chính quyền địa phương cấp 480m2 đất ở, trong đó diện tích nhà ở là 72m2. Căn nhà được xây dựng khang trang, sạch đẹp, nổi bật trước hiên nhà là giàn hoa lan đủ màu sắc được anh chăm chút tỷ mỉ. Ngoài kinh phí hỗ trợ 120 triệu đồng xây dựng nhà, gia đình anh còn đầu tư trên 100 triệu đồng để mở rộng nhà bếp, lót gạch sân, làm mái che, hàng rào, cổng ngõ. Vợ chồng anh đều là công nhân cao su, có mức lương ổn định, đủ trang trải cuộc sống và chăm lo cho hai cô con gái lớn xinh xắn, luôn chăm ngoan, học giỏi. Ngoài ra, vợ chồng anh luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của điểm dân cư, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, góp phần cùng bà con xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú nơi biên giới.
Hộ gia đình anh Lê Anh Tuấn
Đến điểm dân cư biên giới xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cảm nhận cuộc sống thật nhộn nhịp với 25 căn nhà liền kề chốt dân quân. Nằm dọc đường tuần tra biên giới, phía trước là cột mốc 220 vững chắc, các hộ dân nơi đây đã chọn biên giới là quê hương thứ 2 của mình. Ông Đỗ Văn Quang cùng vợ, các con trai, con dâu và cháu nội đã đón 4 cái tết nơi vùng biên này. Là bộ đội xuất ngũ, có nghề sửa máy cày, nông cụ, cuộc sống trước đây của ông Quang còn nhiều khó khăn, không đủ tiền cất nhà, ổn định cuộc sống. Năm 2020, ông được địa phương vận động ra biên giới sinh sống. Từ số tiền tích góp 750 triệu đồng, ông mua 1.000m2 đất cất nhà, cộng với số tiền của Quân khu và địa phương hỗ trợ 175 triệu đồng, ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố ngay tuyến biên giới. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông cho hay: “Cũng nhờ có mấy chú dân quân, biên phòng ngày ngày tuần tra, kiểm soát địa bàn nên bà con yên tâm lắm. Trách nhiệm của gia đình tui và bà con ở đây đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, thấy có vấn đề gì không đúng là báo ngay với chính quyền”.
Ông Quang mở tiệm sửa chữa máy cày, nông cụ phục vụ bà con nông dân
Diện mạo các khu dân cư biên giới trên địa bàn Quân khu 7 đang khởi sắc. Người dân ở các điểm dân cư biên giới tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ đường biên, mốc giới, với phương châm “mỗi người dân là một cột mốc biên cương”, qua đó góp phần tạo “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Từ đây, quân dựa vào dân để bảo vệ biên giới, dân dựa vào quân để an tâm lao động, sản xuất, tạo nên “phên giậu” vững chắc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Minh Thảo - Lê Trầm
(Còn tiếp)