(QK7 Online) - Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, có 85,58 km đường biên giáp với tỉnh Mondulkiri và tỉnh Kratie (Vương quốc Campuchia). Thực hiện Đề án “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng biên giới” của Quân khu 7, Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện hiệu quả, bền vững, từng bước hình thành các khu dân cư biên giới.
Điểm dân cư liền kề Chốt Dân quân thường trực biên giới Thanh Hòa
Điểm dân cư liền kề Chốt Dân quân thường trực biên giới Thanh Hòa, thuộc tổ 10, ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước hiện có 51 hộ dân sinh sống với 181 nhân khẩu. Từ 5 căn nhà đầu tiên được bàn giao vào năm 2019, đến nay, đã phát triển lên 51 căn nhà khang trang, sạch đẹp. Mỗi hộ dân được bố trí 480m2 đất ở, trong đó diện tích nhà ở là 72m2. Kinh phí xây dựng là 120 triệu đồng/căn do Quân khu 7 và địa phương phối hợp thực hiện.
Để giúp người dân ổn định cuộc sống nơi biên giới, Quân khu đã hỗ trợ dê, bò sinh sản tạo sinh kế; phối hợp cùng chính quyền địa phương bảo đảm điện thắp sáng, nước sạch. Tổng kinh phí đầu tư, xây dựng điểm dân cư này là 15,6 tỷ đồng.
Các hộ dân đầu tư làm mái che, hàng rào, cổng ngõ kiên cố
Nhiều hộ dân đã đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mở rộng nhà bếp, lót gạch sân, làm mái che, hàng rào cổng ngõ kiên cố, khang trang và một số công trình phụ khác. Đường vào khu dân cư được mọi người đồng lòng góp công, góp sức, cùng làm sáng đẹp không gian vùng biên ngày mới. Cuộc sống đã dần khấm khá. 100% hộ dân tình nguyện định cư lâu dài trên tuyến biên giới.
Anh Nguyễn Bá Ngọc, hiện là công nhân cao su Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) và vợ là chị Phan Thị Hà, giáo viên Trường mầm non xã Thanh Hòa, đều tình nguyện lên biên giới định cư. Với mức lương ổn định, vợ chồng anh chị đang nuôi ba con đang tuổi ăn, tuổi học và chăm sóc người mẹ già từ quê hương Hà Tĩnh vào ở chung với gia đình. Tổ ấm nơi biên cương lúc nào cũng đong đầy hạnh phúc của gia đình “3 thế hệ”.
Gia đình “3 thế hệ” của anh Nguyễn Bá Ngọc
Các thiết chế văn hóa ở khu dân cư biên giới Thanh Hòa dần hình thành. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh, trở thành “sợi dây” gắn kết cộng đồng. Với sự quan tâm, đầu tư của Quân khu 7, khu dân cư đã có nhà văn hóa, điểm vui chơi cộng đồng, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, dụng cụ thể dục thể thao để bà con luyện tập nâng cao sức khỏe; đồng thời, trang bị đầy đủ các thiết bị âm thanh phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Từ ngày có nhà văn hóa, cuộc sống tại khu dân cư biên giới nhộn nhịp hẳn lên. Chiều tối, ánh điện vẫn chiếu sáng, rộn vang tiếng hát, lời ca, điệu múa, reo hò, cổ vũ. Với họ, giờ đây nơi biên cương đã trở thành quê hương thứ hai gắn kết tình làng nghĩa xóm và những đổi thay, hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Hiện nay, tại điểm dân cư này, đã thành lập các tổ an ninh, tổ cựu chiến binh, tổ người cao tuổi, tổ phụ nữ, tổ thanh niên, nông dân, chữ thập đỏ… hoạt động rất sôi nổi. Chị Phan Thị Hải, là thành viên của tổ phụ nữ với 32 thành viên, thường xuyên tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Chị Hải cho biết thời gian đầu về đây sinh sống, các hoạt động phong trào chưa phát triển, chị em phụ nữ chưa có sự kết nối chặt chẽ, ai cũng “tối mặt, tối mũi” lo cuộc sống mưu sinh. Từ khi có Nhà văn hóa của điểm dân cư, các thành viên của tổ phụ nữ bắt đầu tập hợp, tổ chức luyện tập văn nghệ, để làm phong phú đời sống tinh thần của bà con. Khoảng cách địa lý giữa miền ngược - miền xuôi, giữa đô thị và biên giới như rút ngắn lại.
Thành công của Đề án chính là sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt, sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương. Hiện nay, huyện Bù Đốp đang triển khai xây dựng điểm dân cư mới với 50 căn nhà và khởi công xây dựng điểm trường mẫu giáo do Quân khu 7 đầu tư với kinh phí 5,2 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Minh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp, khẳng định: “Từ khi điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới được hình thành cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng tại nơi đây đời sống người dân đã được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn tiếp theo huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng liên quan hỗ trợ, bố trí đất sản xuất để người dân an tâm sinh sống, ổn định sinh sống lâu dài”.
Cuộc sống ổn định của các hộ dân tại điểm dân cư Thanh Hòa
Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng biên giới” đã tạo nên diện mạo mới về cuộc sống vùng biên. Người dân yên tâm “bám đất giữ làng”, tự nguyện là “tai”, là “mắt” cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Từ đây, quân dựa vào dân để bảo vệ biên giới, dân dựa vào quân để an tâm lao động, sản xuất, và tự hào là “cột mốc” sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Minh Thảo - Lê Trầm
(Còn tiếp)