Kỳ 2: “Miệt vườn” nơi biên giới
Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân thường trực biên giới xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cách đường biên chưa tới 400m, gần cột mốc 198 và cột mốc 200, hiện có 8 căn nhà liền kề chốt. Mỗi hộ gia đình có từ 3 đến 7 hecta đất trồng cây ăn trái và chuồng trại chăn nuôi. Các hộ sinh sống tại đây từ những năm 1990, lên biên giới khai hoang lập nghiệp và gắn bó với mảnh đất biên cương từ đó đến nay.
Vườn cây ăn trái nhà ông Minh có diện tích 7ha
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi đang độ thu hoạch, ông phấn khởi cho biết giá thu mua bưởi hiện nay khá cao 25.000 đồng/kg, thương lái vào tận vườn thu mua nên bà con đỡ chi phí vận chuyển. Theo chia sẻ của ông kinh tế gia đình bắt đầu ổn định và phát triển khoảng 6 năm trở lại đây, từ 7 ha trồng lúa nước, ông mạnh dạn quy hoạch, chia ô, tiến hành trồng các loại cây ăn trái. Sau 3 năm “lên vườn”, ông đã thu hoạch được bưởi, dừa, trừ chi phí mỗi tháng gia đình ông thu nhập gần 30 triệu đồng.
Tết năm nay, ông Minh được giá thu mua bưởi
Điểm dân cư chỉ cách Chốt dân quân thường trực biên giới xã Bình Thạnh vài trăm mét, nên tình đoàn kết gắn bó quân dân luôn khăng khít. “Ở đây tuy là biên giới nhưng an ninh rất ổn định. Anh em ở chốt dân quân và bộ đội biên phòng luôn gần dân, quan tâm đến cuộc sống của bà con nên chúng tôi rất an tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”, ông Minh khẳng định.
Cách nhà ông Minh vài căn, vợ chồng anh Trương Văn Nghiệp và chị Phạm Thị Hoa lập nghiệp tại đây từ năm 1991. Bắt đầu từ 2 bàn tay trắng, đến nay anh chị đã gầy dựng vườn cây ăn trái rộng hơn 2ha và đàn bò trên 35 con. Được Quân khu và địa phương hỗ trợ 175 triệu đồng cộng với số vốn của gia đình, anh chị đã cất được căn nhà kiên cố, khang trang ngay tại vùng biên.
Còn chị Nguyễn Thị Trúc Phương thì rất phấn khởi về cuộc sống mới nơi vành đai biên giới. Chị cho biết từ ngày dọn về đây sinh sống, gia đình chị mần ăn thuận lợi, đường sá, điện nước được đảm bảo, phục vụ tốt cho chăn nuôi, trồng trọt. Đời sống của gia đình ổn định, thu nhập khá.
Đến Điểm dân cư xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, bà con vui vẻ, hồ hởi chia sẻ một năm vụ mùa bội thu. Đa phần các hộ dân ở đây trồng mít thái. Hộ ít nhất cũng trồng 1 ha, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ.
Đi dọc biên giới theo đường tuần tra, sức sống vùng biên hiện hữu trên những ruộng dưa xanh bạt ngàn, những cánh đồng lúa trải dài ngút tầm mắt. Biên cương hôm nay trở nên trù phú, đông đúc với nhiều xóm ấp, khu dân cư. Tuyến đường tuần tra biên giới kết nối với đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa. Những tín hiệu lạc quan về cuộc sống ấm no vùng biên đã khẳng định hiệu quả của Đề án “Xây dựng chốt dân quân thường trực biên giới đất liền” và “Xây dựng Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; đồn, trạm biên phòng” của Bộ Tư lệnh Quân khu để mỗi người dân là “cột mốc” sống, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Điểm dân cư Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng đã phát triển thành khu dân cư biên giới
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đầu tư hạ tầng, kết nối công trình phúc lợi, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tỉnh đã đầu tư 46,3 tỷ đồng kéo điện thắp sáng; 22,5 tỷ đồng bảo đảm nước sạch, phủ sóng điện thoại trên tuyến biên giới, tạo việc làm nâng cao đời sống người dân tại các điểm dân cư.
Đồng chí Nguyễn Văn Út nhấn mạnh: “Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn, trạm biên phòng biên giới là chính sách “An dân giữ đất biên cương”. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, của Bộ Quốc phòng, Quân khu, nỗ lực cùng địa phương từng bước hình thành các khu dân cư ở biên giới. Từ những điểm dân cư này sẽ phát triển thành khu, cụm dân cư trên tuyến biên giới, đi kèm với đó là sự phát triển của thương mại, dịch vụ và dần hình thành các khu công nghiệp nơi biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển gắn với củng cố thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc”.
(Còn tiếp)