Vừa qua, gần như trong cùng một thời điểm, Tổng thống I-xra-en và Thủ tướng Xin-ga-po, hai quốc gia xây dựng được nền kinh tế thông minh, phát triển, đã sang thăm Việt Nam. Một loạt các cuộc hội thảo về công nghệ của I-xra-en trong các lĩnh vực như: Công nghiệp, nông nghiệp, an ninh mạng... đã được tổ chức.
Rồi lễ ra mắt bộ sách “Hồi ký Lý Quang Diệu” (nguyên Thủ tướng, nhà lập quốc của Xin-ga-po) gồm 2 tập "Câu chuyện Xin-ga-po" và "Từ Thế giới thứ ba vươn lên Thế giới thứ nhất" cũng đã diễn ra trang trọng.
I-xra-en và Xin-ga-po có những điểm chung, đó là nhỏ về diện tích, dân số ít, nghèo tài nguyên. Xin-ga-po khởi nghiệp quốc gia gần như từ tay trắng, ngân khố quốc gia trống rỗng. Còn với I-xra-en hiện nay vẫn đang nằm ở một khu vực chưa yên ổn, còn nhiều tiếng súng và nguy cơ mất an ninh. Tức là cả hai quốc gia đều phải đối mặt với nhiều bất lợi. Thế nhưng, cả hai quốc gia ấy đều có những bước phát triển thần kỳ, trở thành những hình mẫu để cả thế giới phải ngưỡng mộ, đặc biệt là các nước đang phát triển rất muốn tham khảo, học hỏi. Hiện nay, ở nước ta, rất nhiều ngành, nhiều địa phương muốn học tập, áp dụng công nghệ của I-xra-en để phát triển. Nhưng câu chuyện có đơn giản thế không? Công nghệ của I-xra-en hay công nghệ, mô hình của bất cứ quốc gia nào khác có phải là phép màu để phát triển đất nước ta?
Muốn trả lời câu hỏi ấy, ta phải thử lý giải xem sức mạnh nào, động lực nào đã tạo ra sự phát triển của I-xra-en, của Xin-ga-po. Và điều cần học hỏi nhất từ họ là gì?
Phải chăng sức mạnh để I-xra-en và Xin-ga-po phát triển chính là tầm nhìn và trí tuệ của con người. Con người ở đó không đầu hàng trước khó khăn. Mà khó khăn chỉ càng khiến họ thêm đoàn kết, thêm quyết tâm và nỗ lực hết mình để vươn lên. Họ biết nước họ ít tài nguyên nên họ đào sâu suy nghĩ, luôn tìm mọi cách để sử dụng nguồn tài nguyên ít ỏi của mình một cách hợp lý, khoa học nhất. Vì thế, những nhà khoa học I-xra-en mới sáng tạo ra công nghệ tưới nước kiểu nhỏ giọt, rồi cách nuôi cá trên sa mạc để biến I-xra-en từ một vùng đất khô cằn thành vùng sản xuất nông nghiệp đầy màu xanh, xuất khẩu nổi tiếng thế giới. Công nghệ của họ là công nghệ tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên một cách bền vững. Có thể nói, tất cả các công nghệ thông minh của I-xra-en, hay những chiến lược phát triển sâu sắc của Xin-ga-po đều là hiện thân của sự thích ứng hiệu quả của con người trước môi trường xung quanh. Đó chính là bài học bổ ích cho Việt Nam ta.
Việt Nam của chúng ta cũng là một quốc gia khởi nghiệp. Nhờ Cách mạng Tháng Tám, nước ta mới trở thành nước độc lập. Tiếp đó, đất nước đã trải qua hàng chục năm trong khói lửa, chiến tranh. Từ bùn đen nô lệ, từ hoang tàn của chiến tranh, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chúng ta có được như ngày hôm nay là nhờ nỗ lực phi thường của cả dân tộc.
Thế nhưng, yêu cầu phát triển không cho phép chúng ta tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Nhìn một cách tổng thể, nước ta vẫn còn là nước đang phát triển, vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém cần phải giải quyết. Chúng ta cũng nhận thấy rằng, điều kiện phát triển của nước ta sẽ ngày càng khó khăn hơn từ quá trình biến đổi khí hậu ngày càng nhanh; rồi những thách thức từ vấn đề thương mại và an ninh quốc tế cũng như khu vực. Do đó, đất nước ta cần phải thực thi hiệu quả chiến lược phát triển mang tính bền vững hơn.
Tinh thần khởi nghiệp quốc gia mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang kêu gọi và nỗ lực thúc đẩy cần phải được thấm tới từng cá nhân trong xã hội. Yêu cầu khởi nghiệp trong thời kỳ mới là khởi nghiệp từ trí tuệ và chất xám. Cùng với đó, mỗi cá nhân cần tự nuôi dưỡng mục đích và khát vọng lớn lao trong việc đóng góp để phát triển đất nước, từ đó điều chỉnh hành vi.
Người Việt Nam luôn ham học hỏi. Chúng ta đi khắp thế giới để tìm hiểu những mô hình tốt, cách làm hay, những công nghệ mới để về áp dụng, giúp phát triển đất nước mình. Nhưng có một thực tế, sẽ chẳng có quốc gia nào chuyển giao cho chúng ta công nghệ gốc, chẳng quốc gia nào chuyển giao cho chúng ta sự thịnh vượng, chẳng có mô hình phát triển nào có thể áp dụng hoàn hảo cho đất nước ta. Chúng ta phải tự phát triển công nghệ từ đặc điểm và những yêu cầu thực tế của đất nước mình. Sự thịnh vượng của đất nước ta sẽ đến từ tâm sức, mồ hôi, trí tuệ của mỗi người Việt Nam. Mỗi người Việt Nam trong suy nghĩ và hành động đều phải có cái chung, có lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nguồn: qdnd.vn