Để thực hiện mô hình này, Hội CCB xã vận động 3 hội viên thực hiện mô hình thí điểm sau đó sẽ nhân rộng ra. Ban đầu, mô hình canh tác mè đen chỉ với quy mô 6ha, sau đó, Hội CCB xã chủ động phối hợp ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật được 2 cuộc cho hội viên và nông dân.
Cùng với áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như sử dụng một loại giống mè đen, chất lượng hạt giống tốt, mật độ sạ đúng theo khuyến cáo từ 4 - 5kg/ha, xuống giống tập trung, bón phân cân đối, phòng trừ sâu, bệnh kịp thời và thu hoạch đúng độ chín nên mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha, giá bán 40.000 - 44.000 đồng/kg, thu nhập gần 49 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn đạt khoảng 30 triệu đồng/ha.
Nếu so với lúa hè thu thì hiệu quả cây mè cao hơn gần 20 triệu đồng/ha. Đặc biệt hơn, mô hình này còn mang lại “hiệu quả kép” vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa cắt đứt mầm bệnh lưu tồn trên ruộng lúa, cải tạo đất đai, tạo điều kiện tốt cho sản xuất lúa vụ tiếp theo. Luân canh 1 vụ màu giữa 2 vụ lúa, nguồn thu nhập của người dân cao hơn nhiều so với độc canh cây lúa. Mặt khác, trồng cây mè khối lượng nước chỉ bằng 1/3 - 1/5 so với cây lúa nhưng thu nhập lại cao gấp 2 lần.
Cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Nhà nước, Hội CCB xã cũng tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguồn nước tưới, xây dựng kế hoạch tưới hợp lý; đồng thời, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn. Đây được xem là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn, mặn xâm nhập do biến đổi khí hậu; bảo đảm tăng thu nhập cho nông dân, trong đó có hội viên CCB.