Ông nói: “Chiến công, thành tích này của Đảng, của Nhân dân và của rất nhiều người lính đã hy sinh, chấp nhận thương tật, khó khăn, gian khổ để làm nên ngày giải phóng, thống nhất Tổ quốc chứ nào của riêng ai”. Câu chuyện ông kể cứ thỉnh thoảng lại dừng. Những ký ức, những trận đánh, kỷ niệm về đồng chí, đồng đội, lấn chiếm cảm xúc của ông.
Trực tiếp cầm súng chiến đấu từ năm 1961 đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc 30/4. Chiến đấu từ anh lính binh nhì đến khi là sĩ quan mang quân hàm Đại tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 812, đơn vị chủ lực, chiến lược của Quân khu 6 (cũ). Có thể nói đây là vinh dự, tự hào và cũng là trọng trách cực kỳ quan trọng trước Đảng, trước Nhân dân, trước máu xương của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông vinh dự trực tiếp chỉ huy, chiến đấu giải phóng 4/6 tỉnh trực thuộc Quân khu 6 (gồm Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức). 2 tỉnh Quảng Đức và Ninh Thuận do quân chủ lực của Bộ, Quân khu 5 và lực lượng địa phương giải phóng.
Kết thúc đợt 1, tháng 12/1974, ta giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và một phần rộng lớn ở miền núi, làm cơ sở, tạo đà cho những cuộc tổng tiến công sau này. Đợt 2 và cũng là giai đoạn then chốt cho cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn quê hương. Đêm 16/3/1975, các lực lượng của ta, nòng cốt là Trung đoàn bộ binh 812 do ông vừa được giao trọng trách từ Chỉ huy phó Tỉnh đội Bình Thuận qua làm Trung đoàn trưởng, cùng đoàn Đặc công 200C, Đại đội 88 tỉnh Bình Tuy chiến đấu suốt 7 ngày, đêm từ ngày 16 - 22/3/1975.
14 năm kháng chiến chống Mỹ, 5 lần bị thương nặng, 2 lần bị bom đặn của Mỹ đốt cháy toàn thân, chết đi sống lại. Và không biết bao nhiều lần bị đạn bom của quân thù tàn phá trên thân thể ông. Trong rất nhiều trận đánh, kể cả 45 ngày đêm chiến đấu Mậu Thân 1968, có ngày đánh 4 - 5 trận, ta và địch giằng co từng góc phố, con hẻm ở nội thành thị xã Phan Thiết. Trận nào cũng nhiều gian nan, ác liệt, có chiến thắng, có hi sinh. Hàng trăm trận đánh, vào sinh, ra tử, nhưng trận chiến đấu tiêu diệt Chi khu Võ Đắc là ác liệt nhất. Lúc ấy lực lượng của địch rất mạnh, vũ khí, đạn dược thì vô số kể. Xung quanh chi khu có 3 tiểu đoàn đóng thành thế tam giác. Trong chi khu công sự, lô cốt, hầm hào vững chắc, lực lượng mạnh, có pháo 105, pháo tầm ngắn, cối, hỏa lực bắn thẳng dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp. Các điểm cao xung quanh chi khu pháo binh địch với hỏa lực mạnh làm chủ cả một vùng rộng lớn, cùng với đó là các lực lượng địch xung quanh ở cự ly gần sẵn sàng tấn công chi viện cho chi khu.
Theo cách đánh “bóc vỏ” và bằng phương châm “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”. 23 giờ ngày 16/3/1975, Trung đoàn 812, Tiểu đoàn Đặc công 200C, Đại đội 88 tỉnh Bình Tuy nổ súng vây lấn chi khu. Hỏa lực địch ở các hướng, từ trong chi khu bắn như mưa vào đội hình của ta. Bộ đội ta đã có thương vong. Lúc này, các Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 186 diệt phần lớn các đồn, bót xung quanh. Tiểu đoàn 840, Đại đội 88 cũng chặn và tiêu diệt phần lớn lực lượng chi viện của địch từ hướng Trà Tân và Võ Xu kéo về. Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, rạng sáng ngày 20/3/1975 lực lượng đặc công 200C áp sát cửa mở Chi khu Võ Đắc. Dưới làn đạn, pháo đen đặc, hệ thống thông tin của ta bị tê liệt. Một quyết định sinh tử, ông cùng với đồng chí Chủ nhiệm Thông tin và đồng chí liên lạc, vượt ngoài công sự suốt 1,5 km dưới làn đạn pháo bắn cấp tập, mù trời của địch. Như là một sự kỳ diệu, đạn bom như thế mà không ai bị thương. Đến nơi, gặp được tôi anh em rất mừng. Tôi nhanh chóng củng cố hệ thống thông tin, tổ chức lực lượng, tăng cường chi viện, đến rạng sáng ngày 20/3 mũi đầu tiên của 200C, tiếp theo là Tiểu đoàn 840 mở cửa xung phong tiêu diệt, làm chủ chi khu Võ Đắc. Thừa thắng, các lực lượng ta phát triển, tiêu diệt các lực lượng của địch, giải phóng các xã lân cận. Đến chiều 22/3/1975, toàn huyện Hoài Đức (nay là huyện Đức Linh) không còn bóng địch.
Trong khí thế chiến trường miền Nam đang sôi động, nhận lệnh của Quân khu, tôi để lại Tiểu đoàn 15, tiếp quản và truy quét tàn quân. Ngày 25/3, Trung đoàn 812 tiến theo quốc lộ 20 lên giải phóng Di Linh, Bảo Lộc, Đà Lạt. Theo đà tiến công, đến chiều ngày 6/4/1975 trung đoàn quay về Hàm Thuận, phối hợp với các lực lượng để đêm ngày 7/4 cùng với Tiểu đoàn Đặc công 200C, Tiểu đoàn bộ binh 482 tỉnh Bình Thuận và Đại đội 3 huyện Hàm Thuận tiến công giải phóng Ma Lâm - Thiện Giáo, tạo đà và thời cơ áp sát, tiến đến giải phóng thị xã Phan Thiết (nay là TP. Phan Thiết).
Nhận lệnh của Miền, của Quân khu, suốt từ tháng 12/1974 đến ngày giải phóng, các đơn vị chủ lực của Quân khu 6, của tỉnh Bình Thuận. Gần 5 tháng, không 1 ngày ngơi nghỉ, các đơn vị phải liên tục tấn công địch, không cho địch có thời gian nghỉ ngơi, buộc địch co cụm trong đồn, bót, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực Trung đoàn 812, Tiểu đoàn Đặc công 200C tấn công tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của địch. Sau khi giải phóng Chi khu Ma Lâm - Thiện Giáo, Trung đoàn 812 triển khai Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 840 và Đại đội 5 Đặc công Bình Thuận tấn công các đồn địch trên đường quốc lộ 1A, Sa Ra, Gộp, chiếm và quyết giữ cầu Phú Long để tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 2 tiến công giải phóng các địa phương trên quốc lộ 1A và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Về địch, tuy lúc này các vùng ven thị xã đã bị quân ta tiêu diệt và làm chủ, tuy nhiên lực lượng trong thị xã còn rất đông và mạnh, có 8 tiểu đoàn, 18 đại đội, 13 trung đội, hệ thống công sự, hầm hào vững chắc, được trang bị máy bay, xe tăng, nhiều pháo và vô số súng đạn. Hơn nữa thị xã lại vừa tiếp nhận 1 lực lượng địch rất đông sau khi thất thủ Tây Nguyên chạy về được bổ sung vào đội hình chiến đấu. Quyết giữ cầu Phú Long, ròng rã 5 ngày đêm, từ ngày 14 - 18/4, không 1 phút ngơi nghỉ, Tiểu đoàn 15 và và Tiểu đoàn 840 thuộc Trung đoàn 812 hứng chịu hàng chục tấn bom, đạn pháo của địch từ đỉnh Tà Zôn, Lầu Ông Hoàng, Camp Esepic, hạm đội ngoài biển và hàng chục đợt tấn công của địch, nhưng các lực lượng của ta chiến đấu kiên trì, kiên quyết, anh dũng giữ vững cầu cho cánh quân duyên hải – Quân đoàn 2 hành quân bằng xe cơ giới được thuận lợi. Trưa ngày 18/4, sau khi hiệp đồng với Quân đoàn 2. Được sự chi viện của Quân đoàn 2 gồm Lữ đoàn Tăng, Trung đoàn bộ binh 18; Trung đoàn 812 (có 3 Tiểu đoàn bộ binh 15, 840 và Tiểu đoàn Pháo 130) và Tiểu đoàn bộ binh 482 tỉnh đội Bình Thuận chia thành 3 hướng đồng loạt tấn cống vào thị xã Phan Thiết từ hướng quốc lộ 1A ngay trong đêm 18/4. Trời tối đen, bộ đội ta không thông thuộc mục tiêu và đường cơ động trong thị xã Phan Thiết. Biết quân giải phóng vào giải phóng, nhiều người dân tình nguyện dẫn đường, chỉ các mục tiêu, kho tàng của địch. Các đơn vị chủ lực và địa phương vận động tiến công, tiêu diệt các toán địch, chiếm giữ toàn bộ tòa tỉnh trưởng, giải phóng 70 tù binh ở nhà tù Đinh Công Tráng, chiếm giữ kho bạc và các căn cứ quân sự, hậu cần, thu toàn bộ vũ khí và các phương tiện chiến tranh của địch.
Rạng sáng 19/4, trời không một chút mây, thỉnh thoảng có vài ngọn gió từ sông Cà Ty, từ biển Thương Chánh thổi vào mát rượi. Cớ gì nước mắt cứ tự nhiên trào ra, không cầm được. Suốt mấy chục năm chúng tôi chờ phút giây này. Vui lắm, mừng chảy nước mắt. Quê hương mình đã được giải phóng. Nhưng cũng chính vào lúc này chúng tôi lại nhớ về những người đồng chí, đồng đội mới vừa ngã xuống hy sinh ngay tại cửa ngõ vào thị xã và những trận đánh trước đó. Bao máu xương, công sức, hy sinh, mất mát của nhiều người dân, bộ đội, du kích để có ngày hòa bình, độc lập. Đại tá Văn Minh Trường giọng nói cứ nghẹn dần, hình ảnh ấy như vẫn vẹn nguyên.