Sư đoàn 7 và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước được giao nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô. Nhiệm vụ là tấn công, ngăn chặn địch trên đường 13 dài gần 20km (đoạn từ phía Nam Bình Long đến phía Bắc Chơn Thành), trọng điểm là khu vực Tàu Ô, không cho một tên địch, một chiếc xe tăng nào từ Chơn Thành lên và từ Bình Long xuống, để quân ta giải phóng Lộc Ninh và tiến công thị xã An Lộc...” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 kể về chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô của 50 năm trước.
Tàu Ô rực lửa
Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến dịch “chốt cứng, chặn đứng” kết hợp giữ vững trận địa dài ngày và ngăn không cho địch dùng xe tăng, xe cơ giới vượt qua Chốt chặn Tàu Ô, lấy thế trận bao vây, chia cắt, chặn bộ binh, cơ giới địch lên tăng viện và không cho địch tháo chạy về Sài Gòn… Cụm chốt chặn chiến dịch trên đường 13 - Tàu Ô có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể lại: "Lựa chọn Tàu Ô để lập chốt chặn, vì nơi đây có suối Tàu Ô, có cống to, xe tăng của địch không thể vượt qua được. Do vậy, Bộ tư lệnh Miền đưa Sư đoàn 7 mà chủ lực là Trung đoàn 209 và lực lượng vũ trang Bình Phước vào chốt ngay cống Tàu Ô, với quyết tâm giữ đường 13. Tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, do áp sát Sài Gòn. Hơn nữa, có giữ được đường 13 thì chúng ta mới giữ được địa bàn Lộc Ninh, đảm bảo và đưa Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về căn cứ cách mạng, vì vậy ở chốt chặn này ta với địch giành nhau từng tấc đất. Phương châm chỉ đạo toàn bộ hoạt động của chiến dịch là “chốt cứng, chặn đứng”, với quyết tâm “mỗi người là một mũi thép tiến công”.
Do vị trí đặc biệt quan trọng nên Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành chiến lũy án ngữ đoạn đường 13, đây là bàn đạp quan trọng để ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng. Vì vậy, Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành khu vực trọng điểm giành giật giữa ta và địch trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972”.
Để khơi thông đường 13, địch huy động toàn bộ lực lượng của các sư đoàn 18, 21, 25, Lữ đoàn 15 tăng thiết giáp, 1 lữ đoàn lính dù và sử dụng hơn 35.000 quả đạn pháo 105mm, 155mm, đánh phá trận địa ta. Trong 3 ngày đầu (từ ngày 5-4 đến 8-4-1972), địch dùng 2 phi đội máy bay chiến thuật với 200 lần đánh và yểm trợ cho bộ binh tấn công vào Tàu Ô. Địch còn huy động máy bay chiến lược B52 đánh 2 lần vào 2 giờ gần nhau, đánh thành hình chữ X, lấy Tàu Ô làm giao điểm từ Tây sang Đông với chiều sâu 800m. Trước sự hủy diệt của lực lượng không quân, bộ binh và các hỏa lực pháo binh của địch, bộ đội ta vẫn tồn tại và kiên cường chống trả quyết liệt mỗi ngày.
“Trên trời có máy bay oanh tạc, hệ thống B52 rải thảm, dưới đất có các loại pháo, xe thiết giáp… nhưng vẫn không chọc thủng được bức tường thép Chốt chặn Tàu Ô. Cứ đến đó là địch phải dừng lại vì suối Tàu Ô thấp, muốn qua suối phải qua sình lầy, đi chỗ khác xe tăng không đi được nên Chốt chặn Tàu Ô như một “bức tường thép” ngăn cản các đợt tấn công của địch, góp phần bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Lộc Ninh” - bác sĩ Bùi Xuân Thúy, nguyên cán bộ chiến sĩ C21, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể về “bức tường thép” Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng.
Phòng ngự kết hợp phản công
Trên cơ sở phân tích tình hình chiến sự, đúng 5 giờ 30 phút ngày 5-4-1972, Sư đoàn 5 quân giải phóng mở trận tấn công mãnh liệt vào cụm cứ điểm Lộc Ninh - trọng điểm chính của Chiến dịch Nguyễn Huệ. Phối hợp với chiến trường Lộc Ninh, các lực lượng vũ trang và du kích Bình Long cùng với quân chủ lực tấn công và làm tan rã hoàn toàn các cứ điểm quân sự xung yếu của địch trên đường 13. Sư đoàn 7 triển khai chiếm lĩnh dọc đường 13 từ ngã ba Đồng Tâm đến thị trấn Chơn Thành, kết hợp với Huyện đội Chơn Thành, Hớn Quản gỡ một số đồn bảo an ở ngoại vi thị xã.
Ở phía Bắc thị xã An Lộc, ta liên tiếp pháo kích, giam chân địch trong các đồn bốt. Trước sức tấn công mãnh liệt của quân giải phóng, lại không được tăng viện, địch buộc phải bỏ Lộc Ninh để dồn sức phòng thủ Bình Long. Ngày 7-4-1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng.
Mất Lộc Ninh, thị xã An Lộc bị bao vây, Mỹ - ngụy dồn lực lượng cả 3 vùng chiến thuật và phần lớn quân chủ lực ngụy ở Nam Bộ để đối phó với ta trên vùng Đông Bắc Sài Gòn, giữ thị xã Bình Long. Các hoạt động đó của địch gây cho ta nhiều khó khăn trong việc cơ động lực lượng, chuyển binh khí kỹ thuật, song Bộ Tư lệnh chiến dịch vẫn quyết tâm giải phóng bằng được thị xã An Lộc.
Khi các đơn vị chủ lực tiến công vào thị xã, Tiểu đoàn 368 của tỉnh và lực lượng vũ trang huyện Hớn Quản tấn công bốt cảnh sát Quản Lợi, kêu gọi dân vệ, bảo an ra hàng. Đặc biệt trong các ngày 21 và 22-4-1972, bộ đội đặc công tỉnh và du kích cùng với Trung đoàn 14 (Sư đoàn 7) và Trung đoàn 1 (Sư đoàn 5) chủ lực Miền, tấn công chiếm lại Núi Gió và cao điểm 169, diệt phần lớn tiểu đoàn 6 dù và ban chỉ huy lữ đoàn dù của địch. Ở Tân Khai, Xa Cam, Xa Cát, các mũi tấn công cùng du kích phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, gọi binh sĩ địch ra hàng.
Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cho biết: "Lúc bấy giờ, bộ đội phòng ngự không phải là nằm chịu trận mà vừa đánh địch vừa tổ chức thu hồi đánh địch phía sâu, phía xa. Tinh thần chiến đấu của anh em rất cao. Không ai muốn rời trận địa, bị thương nặng mới phải rời thôi. Số anh em bị thương nhẹ lùi về phía sau nhưng chỉ vài ngày lại đòi lên trực tiếp chiến đấu. Tinh thần chiến đấu của bộ đội ta lúc này có thể nói là tinh thần thép”.
Ngày 13-4-1972, quân giải phóng bắt đầu tiến công thị xã An Lộc, pháo binh các loại đồng loạt bắn phá các mục tiêu quan trọng của địch trong tiểu khu, địch phản kích mạnh bằng những loạt bom, pháo và tấn công từ sau lưng đội hình của quân giải phóng nhằm giải tỏa áp lực xung quanh thị xã. Suốt 32 ngày đêm chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, giữa một bên là quân giải phóng quyết tâm giải phóng thị xã An Lộc bằng mọi giá, với một bên là địch tăng cường binh lực cố thủ trong thị xã. Chúng huy động 5 lữ đoàn, tăng cường hỏa lực không quân, máy bay B52, máy bay chiến thuật và hỏa lực bố trí sẵn ở các nút chặn và trên các nhà cao tầng để ngăn chặn tiến công của ta.
Ngày 15-5-1972, quân giải phóng mở đợt tiến công mới vào thị xã An Lộc, đột phá vào tuyến phòng thủ nhiều tầng của địch. Bộ đội ta mở toang cánh cửa và đột phá vào các mục tiêu vòng ngoài, chiếm nhà giam, giải phóng toàn bộ đồng bào, đồng chí ở nhà giam An Lộc. Địch điên cuồng cho máy bay phản lực đến ném bom theo cách thảm sát để ngăn chặn.
Ngay khi chiến sự kết thúc, để giải quyết số người chết trong 32 ngày đêm đó, địch dùng xe ủi, ủi 4 rãnh lớn rộng khoảng 3m, sâu 1,5m trong khu vực bệnh viện để chôn các xác chết trong bệnh viện và từ các nơi khác về, hình thành ngôi mộ tập thể hơn 3.000 người - chứng tích của tội ác chiến tranh do bom pháo của địch giết hại đồng bào ta.
“Chốt cứng, chặn đứng” tiêu diệt sinh lực địch
Ngày 15-5-1972, do yếu tố bất ngờ của chiến dịch không còn nữa và lực lượng cách mạng có sự tổn thất, không kịp bổ sung để đối phó với địch khi chúng tập trung các loại phương tiện chiến tranh để giải tỏa đường 13, giải tỏa thị xã An Lộc, Bộ tư lệnh Miền quyết định không tiến công, mà chuyển sang bao vây cô lập địch trong thị xã, dùng lực lượng mạnh chốt chặn ở Tàu Ô, Tân Khai đánh địch càn quét, giải tỏa đường 13. Lúc này vùng giải phóng ở Bình Long được mở rộng, hình thành thế bao vây, áp sát địch trong nội ô thị xã An Lộc.
Từ ngày 16-5-1972, Sư đoàn 7 chủ lực Miền chốt chặn đường 13 nhằm đẩy lùi và đánh bại âm mưu phản kích giải tỏa đường 13 của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển, phục vụ việc giữ vững vùng giải phóng phía sau.
Những trận đánh Tàu Ô, Xóm Ruộng, cống Ông Tề, Tân Khai, Thanh Bình của bộ đội chủ lực tạo điều kiện để du kích địa phương tập trung uy hiếp diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Sĩ quan, binh lính địch suy sụp tinh thần chiến đấu, binh lính đào ngũ, rã ngũ tăng lên, không dám bung ra hoạt động như trước.
Chiến thắng của nghệ thuật quân sự tài tình
Chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường Lộc Ninh - Bình Long đã góp phần vào thắng lợi của cuộc tập kích chiến lược xuân - hè năm 1972, đòn tiến công có ý nghĩa quyết định trên toàn miền Nam, buộc địch phải trở lại đàm phán tại hội nghị Paris, cùng với thắng lợi to lớn của quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 mà đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, kết quả của 18 năm đấu tranh kiên cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân đoàn 4 cho biết thêm: Có được chiến thắng Tàu Ô là nhờ đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng ta, của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Miền. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở từng giai đoạn cách mạng đã được vận dụng đúng đắn và sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể ở địa phương, từ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, khơi dậy truyền thống cách mạng, huy động được sức lực và trí tuệ để làm nên chiến thắng.
Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô trên đường 13 làm cho đế quốc Mỹ, ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Làm lung lay học thuyết Ních-xơn và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đánh bại từng phần, từng bước ngăn chặn quân địch lấn chiếm hòng bình định và tràn ngập lãnh thổ; củng cố và mở rộng vùng căn cứ cách mạng, tạo tiền đề vững chắc cho quân chủ lực Miền đứng vững trên địa bàn chiến lược Đông Nam Bộ, đảm bảo an toàn cho Sở Chỉ huy Miền và cơ quan đầu não của Đảng đóng trên địa bàn.
Trong chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô nói riêng và Chiến dịch Nguyễn Huệ nói chung, chúng ta đã vận dụng linh hoạt và thành công phương thức tác chiến: lấy chiến thuật chốt chặn ngăn địch, giữ vững trận địa kết hợp với đánh vận động luồn sâu, bao vây, chia cắt, đánh liên tục ngày và đêm, chủ động tiến công chiếm lĩnh trận địa của địch và ngăn cản có hiệu quả quân tiếp viện. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta thể hiện quyết tâm chiến đấu cao, tinh thần anh dũng, quả cảm hy sinh, không sợ gian khổ, khó khăn, không lùi bước trước kẻ thù, mưu trí, linh hoạt và sáng tạo, quyết chiến, quyết thắng.