(QK7 Online) - Trong nắng xuân ấm áp, vượt qua những rẫy cà phê, hồ tiêu bạt ngàn trĩu quả, trước mắt chúng tôi là sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - địa danh đã đi vào lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như một huyền thoại.
LLVT tỉnh Bình Phước vận chuyển thực phẩm hỗ trợ Nhân dân vùng tâm dịch.
Sau khi ngâm nga lời bài hát: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa/ Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua...”, anh Trương Công Hoàn, Bí thư Đoàn xã Bom Bo tự hào nói: “Thời gian ngày càng lùi xa nhưng tình người, tinh thần cách mạng vẫn nguyên vẹn trong mỗi người dân Bom Bo. Nếu có thay đổi ở đây chỉ là những ngôi nhà tranh lá năm xưa, nay là những ngôi nhà tầng, nhà mái ngói đỏ tươi”.
Phát huy truyền thống cách mạng, người dân Bom Bo luôn chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những làn sóng dịch Covid-19 vừa qua, bà con không chỉ tuân thủ các quy định phòng, chống dịch (PCD) của Chính phủ, địa phương mà còn tự nguyện góp gạo, rau xanh, củ, quả... gửi hỗ trợ nhân dân vùng tâm dịch. Nhờ vậy, trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư khốc liệt ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, Bình Phước vẫn luôn giữ vững “vùng xanh”, kiểm soát tốt dịch bệnh, xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện hiệu quả cho các địa phương vùng tâm dịch. Anh Nông Văn Diệu, dân tộc Tày, ở xã Bom Bo, xòe hai bàn tay và nói: “Nghe bà con truyền tai nhau về việc Đảng tuyên truyền, vận động PCD Covid-19, mọi người trong nhà mình đều đeo khẩu trang, chấp hành tốt quy định PCD. Nhà mình không có tiền. Nhà mình chỉ có rau xanh, đu đủ, sắn để ủng hộ, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng tâm dịch. Mỗi người tham gia góp một chút, thật đông vui và ý nghĩa”.
Theo anh Hoàn, bà con còn nhiều khó khăn nhưng rất giàu tình cảm. Trong kháng chiến, người dân tự nguyện góp gạo ủng hộ bộ đội đánh đuổi giặc thù. Nay chống “giặc Covid-19”, khi các đơn vị tổ chức vận động ủng hộ Nhân dân vùng tâm dịch, ai cũng tích cực tham gia. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, lợn, gà, rau, gạo, hồ tiêu... hay bất cứ thứ gì bà con có. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, nhân dân xã Bom Bo đã đóng góp hàng chục tấn nông sản gửi tặng đồng bào khó khăn ở các vùng tâm dịch.
Lan tỏa tinh thần sóc Bom Bo trong chống dịch Covid-19, đồng bào dân tộc S’Tiêng ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không phân biệt già-trẻ, trai-gái, ngày đêm tự nguyện vót từng thân tre, cây tầm vông và cưa từng khúc gỗ để làm hàng trăm chiếc giường gửi tặng các khu cách ly y tế trên địa bàn tỉnh...
Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Phước tặng quà người dân tộc thiểu số dịp tết Nhâm Dần 2022.
Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Phước cho hay: “Thật cảm động khi chúng tôi cùng cán bộ các địa phương triển khai đợt cao điểm hỗ trợ nhân dân vùng tâm dịch, khi xuống các thôn, ấp vận động thu mua nông sản, bà con đều không lấy tiền mà nhà ai có thứ gì thì mang đóng góp thứ ấy. Chỉ chốc lát, từ các xóm, ấp, triền rừng, bà con kéo về địa điểm tập kết như ngày hội. Người thì vác bao đu đủ, khoai lang; nhiều chị, nhiều mẹ tay bế trẻ, tay xách theo buồng chuối xanh, túi gừng, bó sả... Nhờ vậy, chỉ riêng Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp vận động được hơn 485.160kg nông sản với tổng giá trị hơn 50,7 tỷ đồng hỗ trợ vùng tâm dịch trên địa bàn miền Đông Nam Bộ”.
Nhận được những sản phẩm nông sản của bà con các dân tộc tỉnh Bình Phước gửi tặng, Thượng tá Trần Văn Quyết, Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận Gò Vấp (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) và anh em rất cảm động. Trong cao điểm chống dịch, lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh đã kết nối với nhiều địa phương vận động hỗ trợ nông sản cho bà con khó khăn bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Các chuyến hàng hỗ trợ từ Bình Phước được gói trong những túi nhỏ, bao thô sơ, từ nước mắm, gạo, sắn, khoai lang... đến cả thuốc chữa bệnh là lá rừng và gừng, sả, bưởi để xông. Bà con Bình Phước còn khó khăn nhưng thật chí nghĩa, chí tình, tiếp thêm động lực, niềm tin để thành phố vượt qua đại dịch.
Khơi dậy truyền thống cách mạng thời kỳ đổi mới, điểm nhấn của Bình Phước là đã triển khai nhiều dự án, chương trình cụ thể gắn với thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng gắn với nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, phát huy các nhạc cụ, âm nhạc, nghề truyền thống... Đồng bào các dân tộc lồng ghép tổ chức tốt các lễ hội, hoạt động kỷ niệm, tạo môi trường tốt để góp phần nuôi dưỡng, xây dựng con người Bình Phước có nhân cách, lối sống tốt đẹp, yêu quê hương, đất nước, để phát triển Bình Phước ngày càng vững mạnh, đẹp giàu.
ĐOÀN HIỂN