Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử Cỏ vô ưu, Thượng tá CCB Nghiêm Thế Nhân, nguyên Phó Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 317 giải thích về tên gọi của câu lạc bộ:
“Cỏ xanh xanh ngắt không hương sắc
Vô đây thưởng thức thú đờn ca
Ưu phiền tan biến dạ lâng lâng”.
Cách đây tròn 10 năm, ngày 01/01/2012, Câu lạc bộ đờn ca tài tử Cỏ vô ưu được thành lập. Lúc đầu chỉ có một vài CCB yêu thích vọng cổ thỉnh thoảng gặp nhau cùng đờn ca cho vui, dần dần thu hút thêm được nhiều người, nhiều lứa tuổi.
Nhạc công chính của câu lạc bộ là Thiếu tá CCB Phan Bình Liêu, nguyên cán bộ Nhà máy Z755. Anh có thể sử dụng được nhiều loại nhạc cụ khác nhau trong đờn ca tài tử.
Trong những lần sinh hoạt câu lạc bộ, các thành viên giới thiệu những bài ca do mình sáng tác, giúp nhau để hoàn thiện hơn trong từng ca từ.
Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Quang Đức trước đây không biết ca cổ, chỉ thích nghe; sau 1 thời gian tham gia câu lạc bộ anh đã biết ca và ca hay; anh đã đoạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi của Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM.
Nghiêm Thế Long hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Chiến sĩ, cũng là hội viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử Cỏ vô ưu, những khi không có phiên trực dân phòng, anh tranh thủ đến sinh hoạt và giới thiệu sáng tác mới của anh trong câu lạc bộ.
Dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/2014), nghệ sĩ Nghiêm Thế Long cùng 1 số nghệ sĩ và nhà báo về thăm Điện Biên.
Xúc động trước tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng Hà Văn Nọa tại Điện Biên, nghệ sĩ Nghiêm Thế Long sáng tác và trình bày bài ca cổ “Tìm cha”, dựa theo ý bài thơ cùng tên của nhà báo Đoàn Hoài Trung. Đài Phát thanh-Truyền hình Điện Biên thu hình và và phát trên sóng của đài. Truyền hình Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phát hình bài “Tìm cha’ trong dịp 27/7.
Trong thời gian ở Điện Biên, sau khi nghe truyền thuyết về loại hoa ban biểu trưng của mảnh đất anh hùng này, Nghiêm Thế Long đã sáng tác bài ca cổ “Mối tình nàng ban”. Nhân dân Điện Biên rất thích thú khi giữa núi rừng Tây Bắc vang lên tiếng ca cổ viết về chính mảnh đất của mình.
Mười năm không phải là thời gian quá dài, những việc mà Cỏ vô ưu làm được trong thời gian qua góp một phần nhỏ bé đề gìn giữ văn hóa dân gian, thổi bùng ngọn lửa yêu văn học, nghệ thuật dân gian trong lớp trẻ.