Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, cùng một lúc phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp phát xít Nhật; chúng đã gây hấn ở Nam bộ, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ ta đã kiên trì, khéo léo hòa hoãn với thực dân Pháp để củng cố lực lượng chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Mặc dù đã ký Tạm ước 14/9/1946 và Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 với ta, nhưng thực dân Pháp vẫn đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích, nhằm cướp nước ta một lần nữa; tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Cuối năm 1946, sau khi có thêm viện binh, Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích; tháng 11/1946, gây xung đột và khiêu khích ở Hải Phòng; đầu tháng 12/1946, ngang nhiên chiếm Đà Nẵng, Lạng Sơn; ngày 17/12/1946, chúng khiêu khích ở Thủ đô, đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng và bắn đại bác vào phố Hàng Bún, phố Yên Ninh, cầu Long Biên… Nghiêm trọng hơn, ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ và giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ.
Trước tình thế đó, ngày 18 - 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Nội), Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và đi đến nhận định: Âm mưu của thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược đã chuyển sang một bước mới, thời kỳ hòa hoãn đã qua, khả năng hòa bình không còn nữa; nếu tiếp tục nhân nhượng, thuận theo những điều kiện lúc này của thực dân Pháp thì đồng nghĩa với việc trao độc lập, chủ quyền của ta cho chúng. Nhân dân ta chỉ còn một con đường duy nhất là cầm vũ khí đứng lên đánh giặc.
Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, khoảng 20 giờ ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; trong đó, Người khẳng định rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã trình bày đầy đủ mục tiêu chính trị, quan điểm, đường lối kháng chiến của Đảng ta; thể hiện rõ tinh thần yêu nước quật khởi, hào hùng của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược; là biểu tượng về sức mạnh của ý chí và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lời kêu gọi của Bác đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, trở thành mệnh lệnh thôi thúc, cổ vũ tinh thần yêu nước của triệu triệu quân dân trong cả nước đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.
Đáp lời hiệu triệu của Bác, quân và dân Hà Nội đã mở đầu Toàn quốc kháng chiến vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sĩ Thủ đô đã kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, từng góc phố. Cùng với Hà Nội, quân và dân cả nước đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng. Đến tháng 02/1947, khi địch tăng viện phá vòng vây, lực lượng ta được lệnh rút về hậu phương, cuộc chiến đấu trong các đô thị tạm thời kết thúc để chuyển sang giai đoạn chiến đấu mới.
Trải qua gần 2 tháng liên tục chiến đấu, quân dân ta giành thắng lợi quan trọng; thực hiện tiêu hao, tiêu diệt, giam chân địch trong thành phố, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, vật chất (ta đã vận chuyển được gần 40.000 tấn máy móc, nguyên liệu ra vùng căn cứ); tranh thủ thời gian tổ chức cho hàng chục vạn Nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến trường kỳ.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi phát động Toàn quốc kháng chiến chứng tỏ Đảng ta đã sáng suốt nhận định đúng tình hình, đánh giá đúng âm mưu và hành động của kẻ thù; thấy rõ lực lượng và khả năng mọi mặt của ta. Từ đó, đi đến lựa chọn đúng thời cơ, thời điểm và địa điểm là thủ đô Hà Nội để chủ động nổ súng tiến công kẻ thù xâm lược nhằm giành lấy lợi thế ngay từ những ngày đầu và chủ động chuyển cả nước vào kháng chiến trường kỳ một cách nhanh chóng.
Sự kiện Toàn quốc kháng chiến đã góp phần khẳng định đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp. Thắng lợi của Toàn quốc kháng chiến là thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), tạo cơ sở vững chắc cho ta giành được thành quả cách mạng trong những chặng đường tiếp theo.
Ngày Toàn quốc kháng chiến và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của Nhân dân ta và đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là các bài học về hoạch định đường lối kháng chiến và kiến quốc đúng đắn, sáng tạo; phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược; tạo lập và xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến; nhạy bén, tỉnh táo nắm bắt tình hình thời cuộc, đón nhận, tận dụng cơ hội; tạo dựng niềm tin mãnh liệt của toàn dân đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến mau lẹ, phức tạp và khó lường, việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Toàn quốc kháng chiến để xây dựng nền quốc phòng toàn dân là hết sức cần thiết, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hiện nay, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là một nhiệm vụ lịch sử hết sức nặng nề, một thách thức mới hết sức to lớn. Hơn bao giờ hết, lúc này đây đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước, quật khởi của Ngày Toàn quốc kháng chiến “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, để có một sự nỗ lực vượt bậc, một tinh thần quật khởi, một ý chí mới “không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, tụt hậu, thua kém bạn bè”, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tự hào “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.
Với tinh thần ấy, chúng ta cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng; phát huy khát vọng phát triển, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, tạo tiềm lực to lớn cho đất nước; không ngừng chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
75 năm đã trôi qua, trong bối cảnh mới, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc cũng như giá trị lịch sử Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Từ mốc son chói lọi này, nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, chúng ta càng thêm phấn khởi, tự hào, trân trọng những gì đã làm được để tiếp tục ra sức gìn giữ và phát huy cao độ trong thời kỳ mới.